HĐND thành phố Hà Nội: Nhiều kết quả từ đổi mới tổ chức kỳ họp

Thời gian qua, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác tổ chức các kỳ họp để giải quyết những vấn đề cấp thiết, quan trọng của Thủ đô. Dù bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng năm 2020 HĐND thành phố đã tổ chức thành công 6 kỳ họp - năm diễn ra nhiều kỳ họp nhất trong nhiệm kỳ 2016-2021…
Khai mạc kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV: Quyết định nhiều nội dung quan trọng Hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng Nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội thiết thực, khả thi HĐND thành phố Hà Nội: Triển khai đúng tiến độ, chất lượng 273 nội dung công việc

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đặt câu hỏi với thành viên UBND thành phố trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười tám HĐND thành phố Hà Nội khóa XV. Ảnh: Nhật Nam

Kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Năm 2020, có 4/6 kỳ họp chuyên đề đã được HĐND thành phố Hà Nội tổ chức, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ đặt ra như: Sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn; quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2020 (2 đợt); phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công…

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trước các kỳ họp, Thường trực, các ban HĐND thành phố đã chủ động tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, triển khai công tác phối hợp nhằm phục vụ thẩm tra các nội dung theo quy định. Tại các thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HĐND thành phố còn linh hoạt trong xây dựng chương trình kỳ họp, dành thời gian thích đáng để thảo luận về vấn đề phục hồi và duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về 5 cơ chế, chính sách, chế độ chi đặc thù với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng cho các đối tượng ngoài quy định của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cử tri Hoàng Minh Tiến (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) nhận xét, nghị quyết cơ chế, chính sách, chế độ chi đặc thù hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là chính sách nhân văn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố đã thông qua 13 nghị quyết. Đặc biệt, HĐND thành phố đã dành thời gian 1 ngày để các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và các giải pháp phục hồi kinh tế các tháng cuối năm 2020. Việc dành nhiều thời gian cho các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 đã góp phần quan trọng để toàn thành phố phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.

Điều hành linh hoạt

Để các kỳ họp diễn ra đúng luật, thành công, vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp rất quan trọng. Trong năm 2020, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã linh hoạt trong điều hành nhưng vẫn bảo đảm đúng chương trình, khoa học, chính xác, dân chủ, tạo không khí sôi nổi trong thảo luận, tranh luận tại nghị trường; tập trung theo từng nhóm vấn đề để vừa có chiều sâu, vừa bao quát đầy đủ nội dung công việc. Bên cạnh đó, các thông báo kết quả kỳ họp được ghi rõ cam kết, mốc thời gian thực hiện để yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai và thuận tiện cho cử tri theo dõi, giám sát.

Nét nổi bật trong việc điều hành kỳ họp của HĐND thành phố chính là ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Năm 2020, với 2 phiên chất vấn cho thấy, đối với từng nội dung chất vấn, chủ tọa đều có kết luận riêng, để sau kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn, làm cơ sở cho việc giám sát cũng như triển khai thực hiện.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, với phương châm theo đến cùng sự việc, phiên chất vấn kỳ họp thứ mười tám vừa diễn ra đầu tháng 12-2020 có nhiều nét mới. Ngoài thu hút nhiều đại biểu kiêm nhiệm tham gia chất vấn tại hội trường, đối tượng được chất vấn cũng đa dạng hơn.

“Để thực hiện tốt hai quy tắc ứng xử của thành phố, vai trò tuyên truyền của các cơ quan báo chí Thủ đô rất quan trọng. Đây cũng là lý do lần đầu tiên, HĐND thành phố chọn chất vấn lãnh đạo các cơ quan báo chí với mong muốn thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục có giải pháp tăng cường tuyên truyền để hai quy tắc ứng xử ngấm đến từng người dân”, đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, phát huy kết quả của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, năm 2021, Thường trực HĐND thành phố tiếp tục lựa chọn các vấn đề bức xúc từ cơ sở, cử tri quan tâm để xây dựng chương trình chất vấn. Trong đó, tăng cường phát huy việc các đại biểu không chuyên trách nêu câu hỏi chất vấn và tranh luận.

“Trước khi vào chất vấn, Thường trực HĐND thành phố sẽ trình chiếu video tổng hợp về nội dung chất vấn, bảo đảm trực quan, sinh động, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Đây là cách làm hay đã được HĐND thành phố áp dụng những năm qua và nhiều địa phương trong cả nước học tập”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.

Nguồn: hanoimoi
www.hanoimoi.com.vn
Phiên bản di động