Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị xử lý thế nào?
Hất văng phụ nữ trên nắp capo, nam thanh niên bị tuyên phạt 12 năm tùNgày 31/5, Hà Nội ghi nhận 251 ca COVID-19Hà Nội: Điều kiện nào để thửa đất tách thành dự án độc lập? |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề trên, tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là cần thiết.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc |
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những khái niệm "quấy rối tình dục", "tấn công tình dục", "xâm hại tình dục"... được quy định rất rõ ràng, dễ nhận diện, dễ phân biệt. Những khái niệm này không chỉ được sử dụng trong lĩnh vực xã hội học, tâm lý học, luật học mà còn được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học, trong các lĩnh vực pháp luật và tương ứng với đó là những quy định và chế tài cụ thể.
Tại Việt Nam, khái niệm "quấy rối tình dục" chưa được nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập. Chỉ có hai lĩnh vực là lĩnh vực lao động và xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự là có nhắc đến khái niệm này.
Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi quấy rối tình dục bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác… Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng; Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục còn chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.
Như vậy, hành vi quấy rối tình dục chưa được pháp luật đưa ra bằng khái niệm cụ thể nhưng đã có quy định về chế tài xử phạt hành chính.
Đối với lĩnh vực lao động thì hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc được quy định tại khoản 9, Điều 3 Bộ luật Lao động 2019: "Là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động".
Các cơ quan chức năng yêu cầu người sử dụng lao động phải xây dựng và công bố các hành vi được xem là quấy rối tình dục bị nghiêm cấm tại nơi làm việc (Ảnh minh họa) |
Hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Hành vi quấy rối tình dục có thể bằng lời nói hoặc bằng hành động tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Hành vi có thể ở dạng dâm ô hoặc là hành vi cưỡng dâm, hiếp dâm. Bởi vậy tùy vào từng hành vi cụ thể, người vi phạm sẽ bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự.
Trong môi trường lao động nếu quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của hành vi và hậu quả cụ thể. Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 trong quá trình làm việc, người lao động bị “quấy rối tình dục” thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
Như vậy, có thể thấy rằng hiện nay khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục" trong hệ thống pháp luật Việt Nam rất nghèo nàn, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng nên việc nhận thức làm cơ sở để áp dụng các chế tài pháp luật như xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có hoàn thiện các khái niệm liên quan đến xâm hại tình dục, trong đó có khái niệm "quấy rối tình dục", các nhận dạng, mô tả hành vi "quấy rối tình dục" là cần thiết. Khi chúng ta chưa bổ sung được các khái niệm có liên quan đến xâm hại tình dục một cách đầy đủ vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì đưa một số khái niệm, nhận dạng về hành vi vào các bộ quy tắc ứng xử cũng là vấn đề cần thiết để thống nhất nhận thức; Tạo ra những suy nghĩ hành động phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội; Làm cơ sở để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ăn cứ để áp dụng các chế tài của pháp luật.
Khi pháp luật đã có những quy định cụ thể thì cũng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử để khái quát các quy chuẩn pháp luật trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội; Làm cơ sở để thay đổi nhận thức và hành động cũ của nhiều người, nhằm tạo ra một môi trường văn minh, lành mạnh, bảo vệ danh dự nhân phẩm, quyền con người và hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi xâm hại tình dục có thể xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.