L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam

Chiều 24/11, tại Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam (Hà Nội), chương trình Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO (For Women in Science) Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam.
Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện - Châu Á 202320 nữ sinh nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023

Năm nay, Giải thưởng khoa học L'Oréal - UNESCO đã gọi tên 3 nữ khoa học gia tài năng gồm PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, TS Trần Thị Kim Chi và PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung. Ba nhà khoa học đã được bình chọn qua thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật, tính hiện đại, tính mới của đề tài cũng như khả năng ứng dụng và tiềm năng của các đề án nghiên cứu. Mỗi tác giả nhận được 150 triệu đồng để tiếp tục hướng nghiên cứu đang theo đuổi.

L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam
Ba nhà khoa học nữ gia tài năng nhận Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO

Với nghiên cứu phát triển quy trình phát hiện gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có một bước tiến đáng kể trong ngành Y học.

L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Chị chia sẻ: "Tôi đã bắt đầu nghiên cứu đề kháng kháng sinh từ hơn 15 năm trước. Bản thân tôi hiểu rằng, việc nghiên cứu để chẩn đoán, phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của "tính kháng thuốc" là một cuộc chiến thầm lặng nhưng lại rất cần sự quyết liệt, chuyên sâu. Nếu một ngày, "tính kháng thuốc" bị lan truyền ra quá rộng và tất cả những kháng sinh chúng ta sử dụng không còn hiệu quả để điều trị y tế, lúc ấy sẽ rất nguy hiểm cho ngành Y học. Tôi sẽ kiên trì và dốc hết sức để tiếp tục nghiên cứu về lĩnh vực này để tìm ra các phương pháp, hợp chất hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng "kháng thuốc". Hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà khoa học cùng đồng hành với tôi trong công cuộc ngăn chặn "đại dịch" tiềm ẩn này".

Cùng trong lĩnh vực Y tế, PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã có những nghiên cứu chuyên sâu về khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ những loài cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối liên kết tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein.

L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam
PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Đúng như lời mà Đại danh y - Thần y Tuệ Tĩnh từng truyền lại cho hậu thế, rằng “Nam dược trị Nam nhân” - Thuốc Nam trị bệnh người nước Nam; PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung đã dốc sức tìm tòi và nghiên cứu về các loại thảo dược Việt Nam như Gừng đen, Tỏi đá Phong Điền, Bồ công anh Việt Nam...

Chị đã nghiên cứu các hợp chất hóa học tự nhiên của những loài thực vật này nhằm ứng dụng trong sản xuất thuốc y tế. Đồng thời, chị còn là người tích cực hỗ trợ nhân giống và bảo tồn các loại dược liệu quý đặc hữu của Việt Nam để không ngừng phát triển và đóng góp các đề án nghiên cứu chuyên sâu cho nền Y học.

Với một hướng đi khác, TS Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nghiên cứu tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới là loại pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị.

L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ Việt Nam
Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh chụp ảnh cùng TS Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chị Chi nhận định: "Từ thế kỷ 20 tại Việt Nam thì pin acid chì, pin lithium...đã trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực cơ khí, máy móc, điện tử. Tuy nhiên, việc thiếu hụt trữ lượng nguyên tố như lithium để sản xuất pin đang trở nên đáng lo ngại. Lithium cũng đã tới giới hạn tích trữ năng lượng, không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của con người ngày nay. Các ion kim loại đa hóa trị như kẽm, nhôm, magie... được ứng dụng trong việc nghiên cứu sản xuất pin mới bởi tính tích trữ và giải phóng năng lượng cao hơn lithium. Ngoài ra với trữ lượng nhiều, đồng nghĩa với giá thành của những loại pin này trong tương lai sẽ rẻ hơn rất nhiều so với pin lithium. Vậy nên, tôi kỳ vọng nghiên cứu của tôi về sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương sẽ đóng góp cho nhiều lĩnh vực như công nghiệp, điện tử điện lạnh,... để cho ra một loại pin năng lương hiệu quả, giá thành rẻ và đặc biệt không gây tổn hại tới môi trường tự nhiên".

Trong suốt 14 năm kể từ 2009, Giải thưởng khoa học L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã vinh danh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam. Những nghiên cứu của họ được đánh giá cao về ý nghĩa khoa học, đóng góp những bước thay đổi mang tính đột phá nhằm cải thiện cuộc sống của cộng đồng và xã hội. Xuất phát từ niềm đam mê và sự tâm huyết với ngành nghề, các nhà khoa học đã chứng tỏ bản lĩnh người phụ nữ Việt với phẩm chất thông minh, trung hậu và sự cống hiến hết mình vì nền khoa học nước nhà.

Tùng Linh
Phiên bản di động