Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 5: Ai dám xử lý?

Dư luận đang chờ xem cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý như thế nào về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ môi trường và đất đai của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa.
Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 4: Chính quyền "bất lực" Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 3: Sai phạm đã rõ, xử lý ra sao? Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 2: "Nhờn" luật Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 1: Tàn phá môi trường, thách thức pháp luật

Sai phạm đã rõ

Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, cuối tháng 2/2020 vừa qua, các cơ sở chế biến, kinh doanh than tại các huyện Tĩnh Gia, TP Thanh Hóa và Thị xã Bỉm Sơn của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa đã bị cơ quan chức năng tỉnh "sờ gáy" để “lộ rõ” ra nhiều vi phạm nghiêm trọng về công tác chấp hành đất đai cũng như hồ sơ về môi trường.

hang loat sai pham cua cong ty than thanh hoa bai 5 phai xu ly nghiem
Cơ sở sản xuất than của Công ty than Thanh Hóa tại Lễ Môn, TP Thanh Hóa hoạt động trái mục đích gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể: Tại Cơ sở chế biến than tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Theo hồ sơ của PV có được, Công ty kinh doanh than Thanh Hóa có Hợp đồng thuê đất số 299/HĐTĐ ngày 25/8/2017, diện tích thuê 5.064,5m2, mục đích cho thuê làm văn phòng giao dịch kết hợp bãi tập kết xe.

Tuy nhiên, Công ty đang tập kết sản phẩm ngoài than (SP thừa sau khi chế biến than) với tổng khối lượng khoảng 1.000 tấn. Hiện trạng khu đất có 01 nhà ở, nhà điều hành, khu vực tập kết sản phẩm ngoài than và sân đường nội bộ. Thiết bị sản xuất gồm có 01 dây chuyền sàng, tuyển sản phẩm ngoài than, công suất khoảng 15-20 tấn/ngày.

Tại thời điểm kiểm tra của cơ quan chức năng, Công ty đã thực hiện không đúng mục đích sử dụng đất được thuê. Các công trình bảo vệ môi trường như: Tuyến mương, hố lắng, khu tập kết chất thải chưa được đầu tư, chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường như: che chắn, xử lý bụi than…

Qua kiểm tra, cơ quan chức đã yêu cầu Công ty kinh doanh than Thanh Hóa dừng ngay hoạt động tập kết các sản phẩm ngoài than, sử dụng đất đúng mục đích cho thuê, lập hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với dự án văn phòng giao dịch kết hợp bãi tập kết xe, đầu tư và thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định.

Tiếp đến là cơ sở chế biến than tại xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. Công ty kinh doanh than Thanh Hóa thuê lại 8.200m2 đất của Công ty TNHH thương mại và kinh doanh Cảng Thanh Hóa, mục đích sử dụng làm kho bãi. Khu đất này Công ty TNHH thương mại và kinh doanh Cảng Thanh Hóa thuê của Công ty CP&DL Nghi Sơn và Công ty CP&DL Nghi Sơn lại đi thuê đất củaUBND xã Nghi Sơn để tập kết vật liệu xây dựng theo hợp đồng số 85/HĐ-UBND ngày 29/8/2014, thời hạn từ ngày 29/8/2014 đến ngày 29/8/2019.

hang loat sai pham cua cong ty than thanh hoa bai 5 phai xu ly nghiem
Trụ sở công ty kinh doanh Than Thanh Hóa.

Đến nay, hợp đồng trên đã hết hạn, UBND xã Nghi Sơn đã có Thông báo số 31/TB-UBND ngày 30/7/2019 và Thông báo số 04/TB-UBND ngày 11/02/2020 về việc thu hồi và đôn đốc thu hồi đất tại vị trí trên.

Tại thời điểm kiểm tra, công ty đang tập kết than, chưa trả lại đất theo yêu cầu của UBND xã Nghi Sơn, khu chế biến có 02 dây chuyền nghiền tuyển than, 01 trạm cân, 05 khu vực tập kết than với khối lượng khoảng 3.500 tấn. Hoạt động chế biến, kinh doanh than của Công ty đang sử dụng đất sai mục đích, hết thời gian thuê đất, không có hồ sơ về bảo vệ môi trường (Kế hoạch BVMT); một số tuyến mương bị bồi lấp, ách tắc dòng chảy, nước tù đọng; bụi phát sinh nhiều tại khuôn viên sân nền, cổng ra vào nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu Công ty kinh doanh than Thanh Hóa dừng ngay hoạt động chế biến, kinh doanh than tại vị trí nêu trên kể từ ngày 27/02/2020 (do hết thời hạn thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích, không có hồ sơ về bảo vệ môi trường, chưa đầu tư đầy đủ các công trình và các biện pháp xử lý chất thải...).

hang loat sai pham cua cong ty than thanh hoa bai 5 phai xu ly nghiem
Cơ Sở tại TX. Bỉm Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Còn tại cơ sở chế biến than số 1, 2 Lễ Môn tại phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Trong năm 2018, Công ty kinh doanh than Thanh Hóa thuê 14.000m2 của Hợp tác xã thương binh Lam Sơn với mục đích nhà làm việc, kho, bãi, bốc xúc than), tuy nhiên, ngoài mục đích thuê đất trên, Công ty còn sử dụng để chế biến than. Cơ sở số 1 có diện tích 6.000m2 với công suất khoảng 10.000 m3/năm, có 01 dây chuyền sàng tuyển than. Cơ sở số 2 có diện tích 8.000m2 với công suất khoảng 15.000 tấn/năm, 01 dây chuyền với 03 đầu băng rót than lên ô tô.

Qua kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh than số 1, 2 Lễ Môn của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa còn một số tồn tại như: Hồ sơ về bảo vệ môi trường không phù hợp với thực tế hoạt động, sử dụng đất không đúng mục đích được thuê; tuyến mương thoát nước thải sinh hoạt bị bồi lấp gây ách tắc dòng chảy; tuyến thu gom xử lý nước mưa chảy tràn và gờ bao tránh nước mưa chảy tràn cuốn theo bụi than ra sông Mã chưa đầu tư hoàn chỉnh; bụi phát sinh nhiều tại khuôn viên sân nền, chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Công ty kinh doanh than Thanh Hóa: Dừng ngay hoạt động chế biến than do sử dụng đất không đúng mục đích, không có hoạt động chế biến than trong nội dung hồ sơ môi trường. Đối với hoạt động kinh doanh kho bãi, bốc xúc than, yêu cầu rà soát lại hợp đồng thuê kho bãi với Hợp tác xã thương binh Lam Sơn để xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác bảo vệ môi trường; gia cố bờ bao phía tiếp giáp Sông Mã để giảm thiểu than rơi vãi xuống sông; cải tạo tuyến mương thoát nước thải sinh hoạt, nước mặt đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.

Ngoài những cơ sở chế biến trên, Công ty kinh doanh than Thanh Hóa còn một cơ sở khác tại xã Hoằng Lý, TP Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp này đã ngang nhiên biến toàn bộ diện tích đất được thuê làm bãi tập kết cát thành bãi tập kết than trong nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Được biết, Công ty cổ phần kinh doanh than Miền Bắc-Vinacomin theo Quyết định thuê đất số 3073/QĐ-UBND ngày 30/08/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa với mục đích sử dụng vào việc tập kết cát. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện đơn vị này không tập kết cát mà tập kết than.

Ngày 11/07/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 8790/UBND-CN chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tài và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát trên địa bàn, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Để hợp thức hóa việc sử dụng sai mục đích đất, ngày 22/08/2019, công ty này có công văn gửi UBND tỉnh xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ bãi tập kết cát sang bãi tập kết vật liệu xây dựng và chất đốt. Tuy nhiên, tại công văn số 2578/STNMT-TTr ngày 09/09/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Đơn vị tập kết than trên đất được thuê vào mục đích tập kết vật liệu và tập kết cát không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 57, Luật đất đai năm 2013. Không thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điều 9, nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014”.

Trong khi hướng xử lý vi phạm của cơ quan chức năng tại cơ sở kinh doanh than Hoằng Lý vẫn còn đặt dấu hỏi khi không thể xử phạt doanh nghiệp thì tại 3 cơ sở nằm tại huyện Tĩnh Gia, TP. Thanh Hóa và Thị xã Bỉm Sơn vẫn đang chờ cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Mặc dù, những sai phạm này phải được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện, kiểm tra và xử lý từ trước đó chứ không thể để kéo dài suốt nhiều năm nay.

Sử lý ra sao?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh – Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Theo phản ánh của cơ quan báo chí hiện tại có 3 cơ sở kinh doanh, chế biến than của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa đang có những tồn tại trong việc sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường. Hiện 2 cơ sở tại huyện Tĩnh Gia và Thị xã Bỉm Sơn chúng tôi đã ra quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp khôi phục lại hiện trạng ban đầu và sử dụng đúng mục đích đất đã được giao. Còn cơ sở tại Cảng Lễ Môn hiện đang xác minh thêm thì mới đưa ra quyết định cuối cùng”.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích:

Về vi phạm trong lĩnh vực môi trường, căn cứ vào các quy định tại khoản 1, điều 68 Luật bảo vệ môi trường 2014quy định các cơ sở sản xuât, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như sau:

Điều 68. Bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau

a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

Nếu không đảm bảo những yêu cầu trên mà gây ô nhiễm môi trường thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Cụ thể:

Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể căn cứ vào mức độ, cũng như hành vi gây ô nhiễm môi trường cụ thể cúa người gây ô nhiễm sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:

Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính có thể sẽ bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hâu quả sau theo quy định tại điểm a, c và l của khoản 3, điều 4 Nghị định 179/2013/NĐ-CP

Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc trồng lại, chăm sóc và bảo vệ diện tích khu bảo tồn đã bị phá hủy, phục hồi sinh cảnh ban đầu cho các loài sinh vật, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học;

l) Buộc xây lắp công trình xử lý môi trường theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo quy định;

"Vậy, để nhằm khắc phục những hành vi gây ô nhiễm môi trường đã gây ra thì buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện một trong những biện pháp khắc phục hậu quả trên", Luật sư Phương nhấn mạnh.

Còn về vi phạm về việc sử dụng đất không đúng với mục đích sử dụng, Luật sư Phương cho biết:

Theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

“1. Cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp tự ý sử dụng đất sai mục đích trái phép, đã lập biên bản mà vẫn cố tình trốn tránh giấy triệu tập lên làm việc thì UBND cấp xã có thể ra phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi đó; đồng thời áp dụng biện pháp buộc những người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của mảnh đất.

Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị thu hồi đất, cụ thể:

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa...)

Doãn Hưng - Duy Tân
Phiên bản di động