Hàng loạt quốc gia Châu Á thiếu điện do nắng nóng

Từ năm 2013 đến 2022, tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã gia tăng với tốc độ chưa từng có với trên 0,2 độ C trong mỗi thập kỷ.

Theo các chuyên gia dự báo thời tiết, nắng nóng có thể ngày càng gay gắt hơn do ảnh hưởng của El Nino.

Các đợt náng nóng kéo dài hơn và dữ dội hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt và cuộc sống của con người. Trong đó, nắng nóng cực đoan kéo dài đã khiến việc đảm bảo nguồn cung ứng điện năng tại nhiều nước đối mặt khó khăn.

Điển hình như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang phải chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn cung ứng điện cho sản xuất để đảm bảo nguồn cung.

Hàng loạt quốc gia Châu Á thiếu điện do nắng nóng
Một quán ăn ở thủ đô Dhaka, Bangladesh bị mất điện (Ảnh: AP)

Cuộc khủng hoảng điện làm tăng thêm tình trạng khốn khổ cho người dân Bangladesh khi họ phải đối mặt đợt nắng nóng dài nhất nhiều thập niên của nước này. Chính phủ nước này đã đóng cửa hàng nghìn trường tiểu học và trung học trong tuần này khi nhiệt độ tăng lên hơn 40 độ C ở Thủ đô Dhaka. Nhiều thành phố khác ghi nhận mức nhiệt 41 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1958.

Ông Abdur Rahma, làm nghề kéo xe ở thủ đô Dhaka cho biết ông đã suýt ngất dưới cái nắng gay gắt những ngày vừa qua.

“Không thể tiếp tục làm việc trong thời tiết như vậy. Sau một ngày lao động vất vả, tôi thường đi ngủ. Bây giờ giấc ngủ của tôi chập chờn vì không có quạt. Tôi thức dậy nhiều lần, nhễ nhại mồ hôi”, ông Rahma kể.

Trong vài tuần qua, khu ổ chuột ở Dhaka nơi ông Rahman sống hầu như không có điện vào ban đêm.

Nhà thiết kế đồ họa tự do Julfiqar Ali đã quyết định chuyển từ Dhaka đến Rangpur ở miền Bắc Bangladesh cách đây 4 năm không chỉ để tránh chi phí sinh hoạt tăng vọt ở thủ đô mà còn vì mong muốn được trở lại sự yên bình ở quê hương.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Ali đã phải từ bỏ quyết định của mình. Điện ở Rangpur không ổn định nên nhiều dự án của Ali đã bị quá hạn.

“Điện bị cắt liên tục. Trung bình, chúng tôi chỉ có điện tối đa 8 - 9 tiếng mỗi ngày. Tôi không thể làm việc trong tình cảnh này”, Ali nói cho biết.

Hàng loạt quốc gia Châu Á thiếu điện do nắng nóng
Nắng nóng gay gắt, Thái Lan triển khai chiến dịch truyền thông về tiết kiệm điện trên toàn quốc (Ảnh: Xinhua)

Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, cung cấp cho các nhà bán lẻ toàn cầu như Walmart, H&M và Zara, đã buộc phải cắt điện 114 ngày trong 5 tháng đầu năm 2023, vượt qua con số 113 ngày trong cả năm 2022

Bộ trưởng Điện lực của Bangladesh cảnh báo những đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn và mùa cao điểm từ tháng 7 - 10 đang đến gần. Vì vậy, 170 triệu người dân quốc gia này sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng mất điện trong những ngày tới.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Mumbai, thành phố lớn thứ hai Ấn Độ, có lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đầu tháng 6 đã đạt mức cao nhất lịch sử, khiến một số quận tại đây phải cắt điện luân phiên.

Tình hình cung cấp điện sẽ bị thắt chặt trên khắp Trung Quốc vào mùa hè này, China Energy News dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Lưới điện Nhà nước Trung Quốc.

Theo Viện Nghiên cứu, các tỉnh miền Trung, miền Đông và Tây Nam Trung Quốc có khả năng bị thiếu điện trong thời kỳ nhu cầu cao nhất.

Vân Nam là tỉnh có nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng 72% tổng công suất, nắng nóng khô hạn đã dẫn đến thiếu nguồn và phải áp dụng chế độ phân bổ điện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát điện năng tiêu thụ.

Thời tiết nắng nóng đã góp phần đẩy mức tiêu thụ điện lên kỉ lục ở Thái Lan, đặt hệ thống điện quốc gia vào trạng thái báo động.

Theo thống kê, có những ngày nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 39.000MW chỉ trong một ngày - cao hơn kỉ lục trước đó là 32.000MW vào tháng 4 năm ngoái.

Nắng nóng cũng khiến các hồ nước tại Thái Lan suy kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gồm cả thủy điện. Giới chức nước này kêu gọi nông dân cân nhắc không canh tác lúa gạo vụ hai hoặc canh tác loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo nguồn cung nước cho các hoạt động khác, bao gồm cả sản xuất điện.

Thái Lan cũng đang triển khai chiến dịch truyền thông về tiết kiệm điện trên toàn quốc, kêu gọi người dân và doanh nghiệp nước này tăng cường sử dụng các biện pháp làm mát không cần đến điện như mặc quần áo thoáng mát, sử dụng rèm chống nắng… và giảm thời gian sử dụng điều hòa.

Nhằm giữ mức dự trữ điện ổn định cho cao điểm dịp hè, Chính phủ Nhật đã kêu gọi người dân và các doanh nghiệp tại Thủ đô Tokyo tiết kiệm điện.

Vào tháng 6 năm ngoái, khi một đợt nóng cao nhất từng được ghi nhận bao trùm miền Đông Nhật Bản trong vòng một tuần, Chính phủ Nhật đã phải yêu cầu người dân cắt giảm lượng điện tiêu thụ nhiều nhất có thể.

Nắng nóng tiếp tục bao trùm Đông Nam Á Nắng nóng tiếp tục bao trùm Đông Nam Á

Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm tại các khu vực Nam và Đông Nam Á, khi nhiệt độ ...

Thế giới sẽ tiếp tục trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục Thế giới sẽ tiếp tục trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục

Kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4 và tháng 5 năm nay đã vượt qua mốc từng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế ...

Nhiều quốc gia Châu Á trải qua sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử Nhiều quốc gia Châu Á trải qua sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử

Nhiệt độ kỉ lục trong tháng 4 đã được ghi nhận tại nhiều nước Châu Á như Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam, cũng ...

Ngọc Ly
Phiên bản di động