Hải Dương: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ
Là tỉnh đồng bằng, tuy nhiên Hải Dương có địa hình đồi núi ở phía Bắc tỉnh, chiếm 11% diện tích tự nhiên; khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,30C với 4 mùa rõ rệt.
Đảo Cò Thanh Miện thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. |
Với hơn 1.300ha rừng ẩm thường xanh, nơi có tính đa dạng sinh học cao; hệ thống thủy văn phát triển, Hải Dương có nhiều giá trị cảnh quan có giá trị vốn từ lâu đã nổi tiếng như: Khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu danh thắng Phượng Hoàng, hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm, rừng phong lá đỏ Thanh Mai (TP Chí Linh), khu danh thắng An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn), cảnh quan sông Hương với các khu miệt vườn cây ăn trái (huyệnThanh Hà), khu Đảo Cò (huyện Thanh Miện) - hệ sinh thái đất ngập nước với hàng ngàn cá thể cò, vạc… còn lại duy nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, tỉnh Hải Dương có hệ thống thủy văn khá phát triển với 14 con sông lớn, nhỏ gồm các sông Thái Bình, sông Thương, sông Luộc, sông Kinh Thầy,... với chiều dài hơn 400km.
Sự đa dạng về địa hình, khí hậu ôn hòa và hệ thống thủy văn phát triển đã tạo cho tỉnh Hải Dương nhiều cảnh quan đẹp, tính đa dạng sinh học cao.
Bên cạnh đó, Hải Dương cũng là một địa phương “sở hữu” tài nguyên du lịch văn hóa với trên 3.199 di tích, trong đó 4 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 244 di tích cấp tỉnh...
Khu vực chùa Côn Sơn tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. |
Trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế, thời gian qua du lịch tỉnh Hải Dương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và góp phần làm thay đổi hình ảnh những khu vực có du lịch phát triển.
Năm 2022, tỉnh Hải Dương ước đón và phục vụ khoảng 1,231 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 50 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt trên 587 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 13 khu, điểm được công nhận là khu điểm du lịch cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Hải Dương đã và đang triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết giữa 3 tỉnh: Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương và tham gia đề xuất về nội dung du lịch trong hợp tác liên kết giữa tỉnh Hải Dương và 8 vùng lãnh thổ các nước.
Năm 2022, tỉnh Hải Dương ước đón và phục vụ khoảng 1,231 triệu lượt khách du lịch. |
Trong năm, tỉnh đã xây dựng, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm phục vụ các đoàn thể thao và khách quốc tế dịp diễn ra thi đấu môn Bóng bàn SEA Games 31 tại Hải Dương; Xây dựng các gian hàng quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng lồng ghép vào các sự kiện quan trọng như SEA Games 31 tại Hải Dương, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc…Chuẩn bị chu đáo và đón tiếp các đoàn đại biểu quốc tế đến thăm và trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, kết quả phát triển du lịch tỉnh Hải Dương vẫn chưa được như kì vọng, tiềm năng du lịch chưa phát huy có hiệu quả. Cho đến nay, tỉnh Hải Dương mới được biết đến như một điểm “trung chuyển” trên tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tại hội nghị tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và kết quả hoạt động Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 30/12, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đến sản phẩm du lịch phù hợp như sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm nằm thu hút khách du lịch; Từ đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, để du lịch tỉnh Hải Dương thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng là hết sức cần thiết.