Hải Dương nỗ lực không ngừng để thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Hải Dương: Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ có tân Giám đốc Hải Dương: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,6% Hải Dương: Không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định cho tỉnh Hải Dương. |
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
Quán triệt sâu sắc các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Từ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đến Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), bên cạnh công tác xây dựng Đảng là then chốt, Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; Xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. |
Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập sớm và thường xuyên được kiện toàn theo quy định; Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, từ cán bộ huyện, thành phố cho tới lãnh đạo các xã, thôn, chi bộ, hợp tác xã. Công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình luôn được chú trọng thực hiện.
Việc tổ chức triển khai được thực hiện sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đã tạo thành phong trào rộng khắp, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đảm bảo đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, xây dựng nông thôn mới với “diện mạo mới, sức sống mới”.
Hoàn thành mục tiêu
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, toàn tỉnh đạt bình quân 6,7 tiêu chí/xã, xã đạt tiêu chí cao nhất là 14 tiêu chí; Thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn năm 2010: 14,2 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 là 12,2%.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Sau hơn 10 năm thực hiện, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, ngày càng đồng bộ, khang trang. |
Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn NTM; 43/178 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong giai đoạn 2011 - 2021 tổng kinh phí để thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh là 58,4 nghìn tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 20,1%, còn lại là nguồn vốn đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của doanh nghiệp. Toàn tỉnh cơ bản không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đến hết năm 2015, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; 12/12 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành tiêu chí quy hoạch.
Sau hơn 10 năm thực hiện, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, ngày càng đồng bộ, khang trang. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù khuyến khích, vận động được người dân và cộng đồng tham gia tích cực hơn vào xây dựng NTM. Nhiều tuyến đường đã có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông... đảm bảo đạt chuẩn, nhiều nơi vượt chuẩn.
Về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; Tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực, hiện toàn tỉnh đã có 234 sản phẩm OCOP được chứng nhận, dự kiến đến năm 2025 có thêm 250 - 300 sản phẩm được công nhận.
Các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai có hiệu quả và được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Năm 2022, thu nhập người dân nông thôn tăng 3,77 lần so với năm 2010; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 đạt 1,69% (năm 2010 là 12,2%).
Về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường; Hải Dương luôn đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục; nhiều tiêu chí về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đạt cao, vượt trội so với toàn quốc; thành tích học sinh giỏi quốc gia trong tốp đầu cả nước.
Chất lượng các dịch vụ hành chính công được nâng cao; Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn; Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, được người dân hưởng ứng sâu rộng.
Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có ít nhất: 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao... |
Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM của Hải Dương là chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, Hải Dương đã có mục tiêu cụ thể xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho từng năm, phát triển phong trào theo hướng hiệu quả, toàn diện, bền vững.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1290/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng NTM tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025 chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá nông thôn, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất: 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (dự kiến 107 xã); 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (dự kiến 36 xã); 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; năm 2025 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt ít nhất từ 76 - 80 triệu đồng/người/năm.
Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh và các địa phương nâng cao năng lực ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả xây dựng NTM giai đoạn vừa qua, rút ra các bài học kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm sáng tạo... Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào. UBND cấp huyện tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn. Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch trong xây dựng NTM...
Hải Dương quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn đến năm 2025; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa với chương trình phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu để nông thôn thực sự là những vùng quê kiểu mẫu, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh.