Hải Dương: Để xảy ra vi phạm về khai thác khoáng sản, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm
Sáng 27/8, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì cuộc cuộc họp của UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các vấn đề có liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương.
Vi phạm về khai thác khoáng sản liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, địa phương
Sau khi nghe báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và các ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản đánh giá hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh những năm qua còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh. Điều này liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, địa phương.
Để khắc phục các tồn tại trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở TNMT chủ trì phối hợp các ngành, địa phương, đặc biệt là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
Lực lượng chức năng phát hiện những bãi than mênh mông chưa rõ nguồn gốc trên địa bàn thị xã Kinh Môn. |
Sở TNMT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá thực trạng của từng mỏ khoáng sản, từng doanh nghiệp được cấp phép. Đối với các giấy phép khai thác đã hết hiệu lực, đề nghị đơn vị khai thác khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, khắc phục các tồn tại để hoàn thành đóng cửa mỏ theo quy định và thời gian cam kết. Không tham mưu cho tỉnh gia hạn thời gian khai thác nếu doanh nghiệp đang có vi phạm hoặc chưa khắc phục xong các vi phạm.
Đối với các giấy phép còn hiệu lực khai thác, cần đánh giá cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Nếu các địa phương, đặc biệt là TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn còn để xảy ra vi phạm về khai thác khoáng sản, đất đồi trái phép thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Sở TNMT chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các bến bãi vi phạm. Tham mưu cho tỉnh ban hành quy định quản lý hoạt động kinh doanh khoáng sản, bến bãi nhằm xác định rõ nguồn gốc khoáng sản, kiểm soát chặt chẽ lượng khoáng sản, tạo sự công bằng, minh bạch trong kinh doanh bến bãi, vận chuyển khoáng sản.
Sở Xây dựng phủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan thảo luận tham mưu cho tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu để phục vụ việc san lấp mặt bằng các công trình trên địa bàn tỉnh. Chậm nhất ngày 20/9, Sở Xây dựng phải có báo cáo, đề xuất.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong thời gian này, cần ra soát chặt chẽ việc gia hạn các giấy phép khai thác khoáng sản, đánh giá xem doanh nghiệp đã làm tốt chưa, có vi phạm không? Nếu có vi phạm đã khắc phục xong chưa. Nếu doanh nghiệp còn vi phạm thì kiên quyết không tham mưu cho tỉnh gia hạn giấy phép. Đồng thời, Sở TNMT không tham mưu cho tỉnh cho phép doanh nghiệp tận thu khoáng sản khi thực hiện dự án, công trình nếu không đánh giá cụ thể các hệ lụy, tác động tới kinh tế. Việc hậu tận thu khoáng sản có nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước.
Trách nhiệm của người đứng đầu về các tồn tại của Nhà máy Nhiệt điện BOT
Liên quan đến nội dung của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án chưa tốt dẫn đến một số tồn tại, hạn chế về đất đai, môi trường và khai thác khoáng sản. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và khắc phục các tồn tại.
Hàng triệu m3 đất đồi vận chuyển đi đâu? |
Chủ đầu tư dự án này cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, báo cáo, làm rõ các tồn tại, vi phạm như diện tích đất khai thác không được phép và diện tích thuộc dự án đã được cho phép nhưng không triển khai. Đánh giá rõ mức độ và khả năng sử dụng xỉ thải của nhà máy để sử dụng vào mục tiêu khác như san lấp mặt bằng, hoàn thổ.
Liên quan đến bãi thải xỉ, chủ đầu tư cần thuê đơn vị có chức năng để đánh giá các vấn đề môi trường như tiếng ồn, khói, bụi để làm cơ sở đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương chấp thuận việc di chuyển các hộ dân bị ảnh hưởng ra khu vực mới. Nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TNMT phê duyệt; công khai kết quả quan trắc môi trường để cơ quan chức năng và người dân theo dõi, giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến diện tích đất rừng, đê điều, hành lang thoát lũ. Sở TNMT chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tính toán, xác định rõ diện tích đã thi công khu vực bãi thải xỉ, khối lượng đất đã thu hồi để làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Sở Xây dựng khảo sát, xây dựng phương án quy hoạch khu tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án...