Hải Dương: Cơ sở tập kết phế liệu bất chấp lệnh dừng hoạt động của công an

Mặc dù đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động của Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) do liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy nhưng cơ sở tập kết phế liệu tại xã Đồng Quang vẫn ngang nhiên hoạt động.

Hải Dương: Ngang nhiên tập kết phế liệu trên đất dự án tiềm ẩn nguy cơ cháy

Hải Dương: Xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan mình lãnh đạo Lãnh đạo Hải Dương yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi hoạt động tuân thủ pháp luật

Hoạt động bất chấp

Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đưa tin, nhiều người dân tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương phản ánh về trường hợp một cơ sở tập kết phế liệu trên địa bàn xã có nguy cơ mất an toàn, gây cháy nổ. Đáng lưu ý điểm tập kết này lại gần khu vực cây xăng Đồng Quan...

Ngày 5/7, phóng viên đã làm việc với Công an huyện Gia Lộc về nội dung trên. Theo đơn vị này xác định, khu vực tập kết phế liệu trên không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đã yêu cầu người đứng đầu khu tập kết này phải dừng hoạt động từ 10/6.

Bất cấp yêu cầu của Công an huyện Gia Lộc, cơ sở này vẫn ngang hiện hoạt động

Mặc dù đã có yêu cầu dừng hoạt động của đơn vị chức năng, song qua ghi nhận thực tế, cơ sở tập kết phế liệu này vẫn hoạt động. Trong nhiều ngày PV ghi nhận thực tế, hoạt động tập kết phế liệu tại đây vẫn diễn ra như chưa có bất kỳ yêu cầu nào của cơ quan công an. Hình ảnh PV ghi nhận được trong ngày 5/7 và 28/7, xe vận chuyển ở đây ra vào liên tục, nhiều nhân công vẫn thực hiện đưa phế liệu từ trên xe xuống bãi tập kết.

Trước sự ngang nhiên, bất chấp pháp luật của cơ sở này, Công an huyện Gia Lộc cho biết: "Sẽ kiểm tra". Nhưng đến nay, đã nhiều ngày trôi qua mà nội dung PV gửi tới cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, đầu tháng 6/2022, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nhận được phản ánh của người dân tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương về trường hợp tập kết phế liệu trên địa bàn xã không đảm bảo các quy định về PCCC, có nguy cơ cháy, nổ, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của người dân.

Khu vực tập kết phế liệu này không có bất cứ bảng hiệu nào mà chỉ tồn tại một khu nhà xưởng được lợp tôn và quây tôn, diện tích bên trong dùng để tập kết vật liệu. Nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhìn thấy cơ sở này dựng một cách tạm bợ, không được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải cũng như các điều kiện bảo đảm cảnh quan môi trường và PCCC khác.

Khi phóng viên có mặt, cơ sở hoạt động rất nhộn nhịp với một số công nhân đang phân loại phế liệu, nhiều xe tải cỡ lỡn chở hàng đến và đi liên tục.

Không chỉ tập kết ở trong nhà xưởng, phế liệu này còn được tập kết ngoài trời, chất "cao như núi" không được che chắn, tràn ra sát mép sông Bắc Hưng Hải.

Ông N.V.H - một người dân sống trong khu vực, cho biết: “Đây toàn chất dễ cháy mà ngay cạnh cây xăng, nếu xảy ra cháy thì hậu quả khó lường".

Trả lời Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Lã Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết: “Tôi cũng đã nắm được chỗ này và cho anh em qua kiểm tra. Tôi sẽ báo cáo cáo vấn đề này lên huyện".

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với Công an huyện Gia Lộc. Ông Nguyễn Tiến Đạt, đội trưởng Đội PCCC&CNCH - Công an huyện Gia Lộc cho biết, Công an huyện đã có buổi làm việc vào ngày 10/6 và yêu cầu cơ sở dừng hoạt động.

"Qua kiểm tra, cơ sở này đang tập kết và sơ chế nhựa, chưa đảm bảo điều kiện PCCC nên chúng tôi đã yêu cầu dừng hoạt động ngay. Theo thông tin ban đầu, khu đất này được bà Phạm Thị Nhung cho ông Nguyễn Đức Khôi thuê lại để làm nơi tập kết. Về nội dung cho thuê cũng như điều kiện cho thuê thì chúng tôi đang xác minh thêm. Do bà Nhung đi viện vì sức khỏe nên chúng tôi chưa tiếp cận được.

Hải Dương: Cơ sở tập kết phế liệu bất chấp lệnh dừng hoạt động của công an

Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, đề xuất lập đội liên ngành để xác định đủ các vấn đề của đất dự án, môi trường, phòng cháy chữa cháy... và có thể sẽ phải báo cáo lên tỉnh vì quy mô, tính chất nơi này khá lớn".

Trao đổi với phóng viên ngày 15/7, ông Lê Đình Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc cho biết thêm: "Việc này chúng tôi đã phối hợp và cung cấp hồ sơ cho các anh công an huyện, thời gian tới, bên công an chủ trì, làm rõ các vấn đề thì tôi sẽ cung cấp thêm cho anh (PV). Quan điểm của chúng tôi là quyết liệt xử lý. Sau đó, chúng tôi sẽ củng cố hồ sơ, vi phạm đến đâu thì xử phạt đến đó, không phải cứ dọn sạch là xong".

Mặc dù trả lời PV kiên quyết xử lý là vậy, thế nhưng thực tế cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động sau yêu cầu tạm dừng của cơ quan chức năng. Chính quyền địa phương có thực sự kiên quyết xử lý những sai phạm của cơ sở này hay không là điều người dân đang thắc mắc (?).

Đã có những hậu quả đáng tiếc

Thời gian qua, trên địa tỉnh Hải Dương đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến các cơ sở tập kết phế liệu. Cụ thể, đầu tháng 4/2022, một vụ cháy đã xảy ra tại bãi tập kết phế liệu của Công ty TNHH Hồng Ngọc trên địa bàn thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Cơ sở này tập kết nhiều vật liệu dễ cháy như vải vụn, nylon, bìa carton, đám cháy đã nhanh chóng lan rộng và thiêu rụi hoàn toàn bãi tập kết khoảng 9.000m2.

Vụ cháy đã gây thiệt hại khá nặng về kinh tế, đến nay, vẫn đang được Công an huyện Nam Sách thụ lý mà chưa tìm ra nguyên nhân.

Trước đó, tháng 2/2015, Công ty này cũng đã từng để xảy ra vụ cháy lớn tương tự và nguyên nhân được xác định là do chập điện.

Như vậy là đã có tiền lệ nhưng bãi tập kết phế thải trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và sức khỏe của người dân vẫn đang ngang nhiên tồn tại trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Thiết nghĩ, việc thu mua phế liệu vốn là một trong những ngành nghề góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chính nó lại là tác nhân gây ô nhiễm, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.

Hoàng Duy
Phiên bản di động