Hà Nội, Vĩnh Phúc: Dự kiến hoàn thành chấm thi trước 27/8
Hà Nội: Điều động hơn 500 giáo viên giỏi chấm thi
Ngày 11/8, toàn bộ bài thi của gần 79.000 thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được 143 điểm thi bàn giao về điểm tập trung an toàn, bảo mật, có sự giám sát của lực lượng công an.
Cùng ngày, ban làm phách bắt đầu thực hiện làm phách đối với tất cả các bài thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã điều động hơn 500 giáo viên giỏi của các trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện công tác chấm thi.
Ngoài 18 thanh tra của Sở GD&ĐT Hà Nội tham gia giám sát quy trình chấm thi, tại khu vực chấm thi bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay của Hà Nội, còn có 5 cán bộ thanh tra Bộ GD&ĐT làm nhiệm vụ.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chấm thi chậm nhất vào ngày 26/8.
Ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi Vĩnh Phúc. |
Vĩnh Phúc: Dự kiến công bố điểm thi ngày 27/8
Tin từ Sở GD&ĐT, năm nay Vĩnh phúc có 12.221 thí sinh dự thi, 531 phòng, 27 điểm thi (trong đó có 01 điểm thi dự phòng).
Địa phương này điều động 92 cán bộ, giáo viên trực tiếp chấm 12.003 bài thi tự luận môn Ngữ văn và một Ban chấm bài thi trắc nghiệm với hơn 54.318 bài.
Ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng thi đề nghị: Hội đồng chấm thi phải nghiêm túc tuân thủ các quy định chấm thi theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng Ban Chấm thi tự luận, địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Hội đồng.
Đồng thời, Sở cũng quán triệt thực hiện Quy chế chấm thi, nhấn mạnh các giám khảo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo sự khách quan, chính xác, công bằng trong quá trình chấm thi.
Đối với Ban Chấm thi tự luận, thực hiện nghiêm quy trình chấm, giao bài, thu bài, nhập điểm, đối sánh chấm lần 1, lần 2; tổ chức trao đổi, thảo luận nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm; tổ chức chấm chung, chú ý thường xuyên rút kinh nghiệm.
Kiểm tra máy móc, chuẩn bị chấm thi trắc nghiệm tại một hội đồng. |
Đối với Ban chấm thi trắc nghiệm, Bộ đã nâng cấp phần mềm, hoàn thiện kỹ thuật chấm thi trắc nghiệm theo hướng thông minh hơn, hỗ trợ phát hiện sai sót, tăng cường bảo mật thông tin.
Dự kiến, ngày 27/8/2020, tức 2 tuần nữa, Hội đồng thi này sẽ công bố kết quả thi theo đúng quy định.
Được biết năm nay, việc chấm thi trắc nghiệm được giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, tổ chức.
Cán bộ thực hiện chấm trắc nghiệm sẽ gồm cán bộ của Sở GD&ĐT cùng giáo viên trường phổ thông dùng phần mềm của Bộ GD&ĐT để chấm.
Việc chấm bài thi tự luận được thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay quy trình chấm thi trắc nghiệm như năm ngoái, sẽ tiến hành quét theo từng túi bài thi.
Mỗi túi bài thi sẽ có tối đa 24 bài thi sẽ được quét. Các bài thi trắc nghiệm sẽ được đánh phách điện tử, các dữ liệu đầu vào, trung gian, đầu ra trong quá trình chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa.
Những dữ liệu này chỉ được mã hóa bởi người có trách nhiệm và những công cụ tương thích.
Các tác động trên phần mềm chấm thi đều được truy vết để dễ dàng tìm kiếm lịch sử hoạt động, có thể dễ dàng xử lý khi cần thiết.
Cũng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Hội đồng chấm thi có 1 tổ chấm kiểm tra các bài thi những môn tự luận để đảm bảo việc chấm bài của thí sinh được chính xác, khách quan, đồng thời phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh của hội đồng chấm thi.
Theo đó, tổ chấm kiểm tra sẽ chấm tối thiểu 5% so với tổng số bài thi mỗi môn, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi.