Nghị quyết số 57 - Kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Xuân Quê Hương 2025: Hướng đến kỷ nguyên mới, gắn kết và phát triển Viết tiếp trang sử hào hùng, sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới

Dồn toàn lực cho KHCN, ĐMST và CĐS

Sáng 13/1, tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với hơn 978.500 đại biểu tham dự.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Tham dự có Tổng Bí thư Tô Lâm. Cùng dự tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban Bộ, ngành Trung ương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với hơn 978.500 đại biểu tham dự.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng thời, yêu cầu việc quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tiến hành bài bản, khoa học, lâu dài, thông suốt, hiệu quả, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57-Q/TW (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).

Nghị quyết số 57 - Kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nghị quyết cũng nhấn mạnh KHCN, ĐMST và CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.

Đồng thời, Nghị quyết là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Nghị quyết góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Theo Báo cáo mới nhất của WB năm 2024 với chủ đề “Bẫy thu nhập trung bình”, từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, có tới 108 quốc gia chưa vượt qua. Việt Nam hiện có GDP bình quân đầu người năm 2024 là 4.700 USD và nếu tăng trưởng trung bình 7%/năm thì đến năm 2040, Việt Nam mới gia nhập được nước có thu nhập cao (khoảng 13.800 USD/người)]

Thủ tướng khẳng định: “Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc dồn toàn lực cho KHCN, ĐMST và CĐS. Đây không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới”.

Trọng dụng nhân lực chất lượng cao là then chốt

Bám sát nội dung của Nghị quyết 57, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó, nhóm 4 về phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài, đáp đứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS gồm 12 nhiệm vụ cụ thể.

Nghị quyết số 57 - Kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Điể hình như, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Mục tiêu là xây dựng một đội ngũ nhân lực hùng hậu, vừa đủ về số lượng, vừa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số. Đặc biệt, nguồn nhân lực này cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của KHCN, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

Nghị quyết số 57 - Kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng công nghệ tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài, tập trung vào các cán bộ chuyên gia đầu ngành, những người giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS; có chính sách đãi ngộ, tuyển dụng đặc thù thu hút, tuyển dụng nhân tài, tạo động lực mạnh mẽ để nhân tài gắn bó và cống hiến lâu dài cho đất nước.

Đặc biệt lưu ý triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển công nghệ chiến lược; Có cơ chế, chính sách về tín dụng, học bổng, học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật; Đổi mới, đa dạng hóa chương trình giáo dục đào tạo, nhất là các ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); xây dựng nền tảng giáo dục, đào tạo trực tuyến theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển mô hình giáo dục đại học số kết hợp ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, không gian ảo.

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó tổ chức nào hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập hoặc giải thể để tập trung nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu mạnh; Phát triển các trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo [đảm nhận vai trò tiên phong trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao]. Xây dựng, đầu tư, nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN cùng các cơ sở nghiên cứu KHCN và ĐMST trọng điểm quốc gia trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng KHCN.

Ngoài ra, có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam; kết nối với mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học quốc tế theo các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; Xây dựng, ban hành cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập... nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ trọng điểm quốc gia.

Nghị quyết số 57 - Kim chỉ nam cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Các đội thi tham gia thi đấu Robocon trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ Innovation Tech Challenge 2023

Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến; Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được thành lập, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban. Bên cạnh đó, Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng vừa được thành lập.

Nhiều chuyên gia cho rằng Nghị quyết 57-NQ/TW là luồng gió mới, soi rọi con đường vươn lên phía trước của dân tộc Việt Nam. Đó là chỉ có đi vào các công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc để giàu mạnh hùng cường, ngẩng cao đầu và sánh vai với các nước năm châu.

Thái Sơn
Phiên bản di động