Hà Nội phấn đấu là "Thành phố học tập toàn cầu" trong năm 2025
Hà Nội phấn đấu là "Thành phố học tập toàn cầu" Thành đoàn Vĩnh Yên tiên phong, gương mẫu trong học tập và làm theo Bác |
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành việc đăng ký tham gia mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO trong năm 2025.
Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để người dân Thủ đô nhận thức rõ hơn về vai trò của việc học tập suốt đời và sự cần thiết xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố.
Xây dựng các chiến dịch truyền thông sáng tạo và đa dạng, bao gồm việc sử dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội để tiếp cận, tương tác với cộng đồng nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc Thủ đô Hà Nội tham gia vào Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO.
Đẩy mạnh các hình thức học từ xa, học qua mạng để phục vụ việc học tập suốt đời, hoàn thành các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thành phố giao Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố tổ chức dạy học có nề nếp, chất lượng; thực hiện các nhiệm vụ học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập…
Trước đó, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP. Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 10/6/2023.
Nghị quyết cũng xác định những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
100% cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước thuộc Thành phố được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin mạng phù hợp theo yêu cầu nghiệp vụ. 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục: Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; phấn đấu 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%.
Xây dựng các mô hình học tập trong xã hội: Tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ người dân có kỹ năng số đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; tỷ lệ đơn vị được công nhận là đơn vị học tập đạt 50%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài phù hợp với tình hình mới; phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập.
Đặc biệt, Thành phố sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành “Thành phố học tập” của UNESCO; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là đối với Tổ chức Văn hóa, Khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO); nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Chủ động, tích cực phấn đấu đạt được những tiêu chí cơ bản của “Thành phố học tập” để Thủ đô Hà Nội có thể tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Đẩy mạnh vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.