Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý hoạt động các trạm trộn bê tông
Những tiếng thở than của người dân về khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm, đường xá hư hỏng... là những điều mà phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật ghi nhận được tại các khu vực có trạm trộn bê tông đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Trạm trộn bê tông nằm trên diện tích 6-7 ha đất tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh của Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương. |
Hiện là thời gian cao điểm xây dựng các công trình, dự án nên nhiều trạm trộn bê tông trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm đang gia tăng sản xuất, đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp nhưng đổi lại nhiều hệ lụy cho môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) có rất nhiều trạm trộn bê tông đang ngang nhiên hoạt động nhưng thiếu thủ tục, hồ sơ pháp lý cũng nhưng công tác bảo vệ môi trường, có thể kể đến như trạm trộn bê tông ở xã Dục Tú; trạm trộn bê tông và xưởng cơ khí ở xã Việt Hùng của Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương; trạm Hoàng Minh ở xã Tiên Dương của CP đầu tư phát triển và VLXD Hoàng Minh; trạm trộn ở gần Ga Cổ Loa ở Xã Việt Hùng của Công ty CP Công trình 6 và một số trạm của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đông Anh.
Trạm trộn bê tông ở gần Ga Cổ Loa, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh của Công ty CP Công trình 6. |
Trong khi đó, ở huyện Thanh Trì cũng nổi lên một số trạm trộn bê tông như của Việt Nhật, Dương Châu ở xã Thanh Liệt; trạm trộn bê tông số 1 của Công ty CP Licogi 12 tại xã Vĩnh Quỳnh.
Theo phản ánh, đa số các trạm trộn bê tông trên đều hoạt động thiếu thủ tục, hồ sơ pháp lý như giấy phép xây dựng, có một số trạm được cấp phép tạm thời nhưng cũng hết thời hạn, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chưa được phê duyệt, đặc biệt là xây dựng trên đất nông nghiệp; trong khi đó công tác bảo vệ môi trường cũng không được đảm bảo, các xe chở bê tông cày nát đường, bùi mù mịt... khiến cuộc sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trạm trộn bê tông Dương Châu trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì vẫn đang hoạt động. |
Ghi nhận của phóng viên, nhiều trạm trộn bê tông hoạt động trên khu đất rất rộng, có trạm hoạt động trên khu đất phải rộng tới 6-7 ha, đặt ra nghi vấn về việc sử dụng đất có đúng mục đích hay không, trong đó nổi bật là trạm trộn bê tông và xưởng cơ khí ở xã Việt Hùng của Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương hoạt động giữa khu vực người dân trồng lúa.
Đáng nói, thực trạng trên đã diễn ra nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm trời nhưng không hiểu vì lý do gì mà các trạm trộn bê tông vẫn công nhiên tồn tại, hoạt động ung dung và không bị cơ quan chức năng, cơ quan quản lý địa phương có biện pháp xử lý kịp thời tránh gây bức xúc cho người dân.
Qua ghi nhận và xác minh, những phản ánh của người dân là có cơ sở, lãnh đạo nhiều xã ở các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm khi làm việc với phóng viên đều thừa nhận việc các trạm trộn bê tông chưa hoàn tất hồ sơ pháp lý, thậm chí nhiều xã còn không nắm được bất cứ hồ sơ nào kể cả là hồ sơ về đất đai và môi trường.
Trong khi đó, một số xã, khi phóng viên đến làm việc, tìm hiểu thông tin thì né tránh, tìm cách không trả lời. Thậm chí, nếu có gặp lãnh đạo xã thì cũng yêu cầu phóng viên đặt lịch qua bộ phận văn phòng và hứa sẽ liên hệ lại nhưng rồi cứ để phóng viên đợi mãi, không hồi âm.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.