Hà Nội kiến nghị Chính phủ đánh giá mức độ rủi ro để nới lỏng cách ly xã hội, phục hồi sản xuất

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ kiến nghị Chính phủ tiến hành đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác đối với dịch Covid-19, từ đó cho phép nới lỏng một phần cách ly xã hội để bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài Hành trình “Giọt máu nghĩa tình” phấn đấu đạt 5.000 đơn vị máu Sau khi bỏ môn thứ tư, học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội cần lưu ý gì?

Phát biểu tại cuộc làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 20/4 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là địa bàn trọng điểm có rủi ro cao về dịch Covid-19.

Hà Nội kiến nghị Chính phủ đánh giá mức độ rủi ro để nới lỏng cách ly xã hội, phục hồi sản xuất
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Đến nay, Hà Nội đã bước đầu và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan rộng; bảo vệ được Hà Nội và góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, thành phố đã duy trì thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị khác, không để công việc đình trệ.Với tinh thần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bằng trách nhiệm cao nhất, Thành ủy Hà Nội và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã chung sức, chung lòng, đồng tâm, hiệp lực vào cuộc kịp thời, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và thành phố như mệnh lệnh thời chiến.

Đối với công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đảng bộ Hà Nội với gần nửa triệu đảng viên, chiếm gần 10% tổng số đảng viên cả nước, đến nay đã cơ bản tổ chức xong đại hội cấp chi bộ và đại hội điểm cấp cơ sở. Tới đây, nếu được nới lỏng cách ly, thành phố sẽ tổ chức tiếp đại hội bảo đảm hoàn thành theo tiến độ. Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng văn kiện, tiến hành công tác nhân sự bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Về phát triển kinh tế - xã hội, theo Bí thư Thành ủy, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng 3,72% trong quý I/2020. Hiện, Hà Nội đang cố gắng “nạp năng lượng” để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch kết thúc, phấn đấu tăng trưởng ít nhất là cao gấp 1,3 lần tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước, tùy theo từng kịch bản được xây dựng.

Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, thời gian vừa qua, Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng 4,04% trong 9 tháng còn lại của năm 2020. UBND thành phố đặt mục tiêu cao hơn nhiệm vụ được giao, là 4,62%; một số huyện cũng quyết tâm tăng trưởng nông nghiệp 5-6% trong những tháng còn lại của năm 2020.

Tới đây, thành phố sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã và đang dành sự quan tâm, làm việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn, giúp từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế vươn lên, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Về đầu tư công, tinh thần chỉ đạo của Hà Nội là “góp gió thành bão”, nghĩa là thúc đẩy triển khai, tăng tiến độ của tất cả các công trình, từ nhà của tư nhân, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là các công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp từ thôn, tổ dân phố đến thành phố. Cùng với tháo gỡ chung của Chính phủ, bằng sự quyết liệt của mình, thành phố tin tưởng sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Vừa rồi, thành phố đã làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải về việc triển khai công trình trọng điểm trên địa bàn và sắp tới sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến tháng 9/2020, Hà Nội sẽ khánh thành đường trên cao đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.

Về đầu tư tư nhân và đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) cũng như phát triển doanh nghiệp, Hà Nội đã đối thoại với doanh nghiệp. Sau hội nghị này, thành phố sẽ có chương trình hành động, giải quyết nhiều vấn đề cụ thể, thành lập “tổ đặc nhiệm” để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư công. Hà Nội cũng sẽ làm việc với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để thúc đẩy phát triển về công nghệ thông tin và công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như công nghiệp và xây dựng.

Đối với những lĩnh vực có cơ hội và tiềm năng như sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng, hóa chất, Hà Nội sẽ tập trung phát triển. Về thương mại nội địa, trong đó có vùng nông thôn, thành phố sẽ tăng cường lĩnh vực này, học tập kinh nghiệm nhiều nước như Thái Lan dùng các xe bán tải làm thành các trạm bán hàng lưu động…

Cũng theo đồng chí Vương Đình Huệ, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Trong quá trình đó, thành phố mong được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành liên quan.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là ngày 22/4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ họp định kỳ và chỉ đạo các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cân đối ngân sách... trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19.

Thành phố sẽ tiếp tục làm việc với một số bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc, đánh giá lại để có chương trình tái thiết kinh tế, góp phần cùng cả nước phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động