Hà Nội: Hệ lụy khôn lường từ các trạm trộn bê tông hoạt động trái phép
Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý hoạt động các trạm trộn bê tông |
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin về những bất cập trong công tác quản lý hoạt động các trạm trộn bê tông trên địa bàn TP Hà Nội khi không chỉ thiếu hồ sơ pháp lý, xây dựng trái phép mà cả vấn đề ô nhiễm môi trường đang thực sự đặt ra nhiều thách thức quản lý đối với cơ quan chức năng, các cấp chính quyền ở Thủ đô.
Thời gian này đang là mùa "cao điểm" đối với các công trình, dự án nên nhiều trạm trộn bê tông trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm đang gia tăng sản xuất, đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp nhưng đổi lại nhiều hệ lụy cho môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Trạm trộn bê tông nằm trên diện tích 6-7 ha đất tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh của Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương. |
Theo phản ánh, đa số các trạm trộn bê tông trên đều hoạt động thiếu thủ tục, hồ sơ pháp lý như giấy phép xây dựng, có một số trạm được cấp phép tạm thời nhưng cũng hết thời hạn, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chưa được phê duyệt, giấy phép xả thải cũng không có, đặc biệt là xây dựng trên đất nông nghiệp; trong khi đó công tác bảo vệ môi trường cũng không được đảm bảo, các xe chở bê tông cày nát đường, bùi mù mịt... khiến cuộc sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) có rất nhiều trạm trộn bê tông đang ngang nhiên hoạt động nhưng thiếu thủ tục, hồ sơ pháp lý cũng nhưng công tác bảo vệ môi trường, có thể kể đến như trạm trộn bê tông Tân Phương Nam ở xã Dục Tú; trạm trộn bê tông và xưởng cơ khí ở xã Việt Hùng của Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương; trạm Hoàng Minh ở xã Tiên Dương của CP đầu tư phát triển và VLXD Hoàng Minh; trạm trộn ở gần Ga Cổ Loa ở Xã Việt Hùng của Công ty CP Công trình 6 và một số trạm của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đông Anh.
Trạm bê tông Phú Thụy của Công ty Transmeco hiện đã được sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa được gia hạn giấy phép xả thải, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. |
Còn tại huyện Gia Lâm cũng xuất hiện nhiều trạm trộn bê tông đang hoạt động mà vấn đề pháp lý còn đang bỏ ngỏ, có thể kể đến như trạm bê tông Phú Thụy của Công ty Transmeco hiện đã được sửa chữa, nâng cấp với công suất hơn 100 m3/giờ nhưng chưa được gia hạn giấy phép xả thải, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong khi đó, ở huyện Thanh Trì cũng nổi lên một số trạm trộn bê tông như của Việt Nhật; trạm trộn bê tông số 1 của Công ty CP Licogi 12 tại xã Vĩnh Quỳnh; đặc biệt là trạm trộn bê tông Dương Châu của Công ty TNHH Xây dựng & Đầu tư Dương Châu đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt do không chấp hành pháp luật về môi trường.
Trạm trộn bê tông số 1 của Công ty CP Licogi 12 tại xã Vĩnh Quỳnh. |
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, có nhiều trạm trộn bê tông hoạt động trên khu đất rất rộng, có trạm hoạt động trên khu đất phải rộng tới 6-7 ha, đặt ra nghi vấn về việc sử dụng đất có đúng mục đích hay không, trong đó nổi bật là trạm trộn bê tông và xưởng cơ khí ở xã Việt Hùng của Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương hoạt động giữa khu vực người dân trồng lúa.
Đáng nói, thực trạng trên đã diễn ra nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm trời nhưng không hiểu vì lý do gì mà các trạm trộn bê tông vẫn công nhiên tồn tại, hoạt động ung dung và không bị cơ quan chức năng, cơ quan quản lý địa phương có biện pháp xử lý kịp thời tránh gây bức xúc cho người dân.
Qua ghi nhận và xác minh, những phản ánh của người dân là có cơ sở, lãnh đạo nhiều xã ở các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm khi làm việc với phóng viên đều thừa nhận việc các trạm trộn bê tông chưa hoàn tất hồ sơ pháp lý, thậm chí nhiều xã còn không nắm được bất cứ hồ sơ nào kể cả là hồ sơ về đất đai và môi trường, xử lý chất thải. Trong khi đó, một số xã, khi phóng viên đến làm việc, tìm hiểu thông tin thì né tránh, tìm cách không trả lời.
Trạm trộn bê tông ở gần Ga Cổ Loa, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh của Công ty CP Công trình 6. |
Không chỉ chính quyền mà ngay cả các doanh nghiệp chủ của các trạm trộn bê tông cũng né tránh khi phóng viên báo chí đến tìm hiểu thông tin. Trong khi đối với các doanh nghiệp chịu làm việc thì họ cũng thẳng thắn thừa nhận việc hoạt động thiếu hồ sơ pháp lý, không có kế hoạch bảo vệ môi trường.
"Hoạt động trạm trộn bê tông chủ yếu theo thời kỳ, không được lâu dài nên nhiều khi thủ tục pháp lý khó xin được, mà giờ làm cái gì cũng có cái sai thôi thì mong anh em chia sẻ, tạo điều kiện để trạm được hoạt động", quản lý của một trạm trần tình.
Có thể thấy, việc quản lý hoạt động các trạm trộn bê tông đang còn nhiều bất cập, vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý lại không được quyết liệt và cương quyết khiến môi trường sống ngày càng bị đe dọa. Trong khi đó, người dân vẫn đang hàng ngày sống chung với ô nhiễm và tiếng ồn từ các trạm trộn bê tông mà chưa biết đến ngày nào mới thoát khỏi nỗi khổ trên.
Theo ý kiến của một chuyên gia xây dựng, quá trình hoạt động của các trạm trộn bê tông cần phải được kiểm soát chặt về công tác chấp hành bảo về môi trường bởi sản xuất bê tông rất dễ gây ô nhiễm, đặc biệt là việc xử lý chất thải, trong đó có chất thải rắn sau khi sản xuất cũng không phải là đơn giản, cần phải kiểm tra, giám sát các nguồn thải được xử lý thế nào.
"Việc kiểm tra, giám sát trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền cấp cơ sở, nếu phát hiện vi phạm có thể xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo đề xuất với cấp trên để sớm xử lý dứt điểm, không để ảnh hưởng đến môi trường sống và tránh gây bức xúc cho người dân", vị chuyên gia nhận định.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.