Hà Nội: Giải pháp đối phó nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước

Chuyên gia thuỷ văn đánh giá, Hà Nội sẽ đối mặt nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong năm 2024 do các biến đổi về khí hậu. Do đó, cần có những giải pháp kịp thời nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn hán đối với đời sống và sản xuất của Nhân dân.
Hà Nội sẽ truy trách nhiệm nơi để xảy ra “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo

Năm 2023, tổng lượng mưa tại khu vực Hà Nội dao động từ 1386,3 - 1441,4mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 184,1 - 390,5mm (tương đương 10 - 20%). Tổng lượng nước mặt trong năm 2023 trên các sông chảy qua địa bàn Hà Nội cũng bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 40%.

Năm 2024, cơ quan khí tượng thuỷ văn nhận định, từ tháng 4 - 6/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Hà Nội sẽ phổ biến thấp hơn 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 - 12/2024, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Hà Nội: Giải pháp đối phó nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước
Nguy cơ thiếu nước có thể ảnh hưởng tới sản xuất tại Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ.

Trên cơ sở dự tính về lượng mưa và tình hình nguồn nước, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, trong năm 2024, khu vực Hà Nội có khả năng xảy ra từ 1 - 2 đợt hạn hán vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và tháng 12.

Tại những thời điểm này, thời tiết chủ yếu ít mưa và vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 khả năng có nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp. Mực nước các sông trong khu vực Hà Nội xuống thấp. Một số huyện cần đề phòng khả năng bị hạn nặng như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ.

Hà Nội: Giải pháp đối phó nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước
Người dân cần ý thức chủ động trong sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có nguy cơ hạn hán, thiếu nước cao

Trước nhận định về nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tuyên tuyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thuỷ văn, hạn hán, để người dân biết; từ đó có ý thức chủ động trong sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có nguy cơ hạn hán, thiếu nước cao.

Các địa phương cũng cần xác định cụ thể những diện tích đảm bảo tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn hiện có như: SRI, nông - lộ - phơi, nhỏ giọt, phun mưa…

Vũ Cường
Phiên bản di động