Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm
Những nữ tình nguyện viên "tiếp lửa" sĩ tử Hà Nội Hơn 200 điếm canh đê Hà Nội bị hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa |
Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2019. |
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính đặt tại trụ sở Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Các nội dung được hội nghị xem xét báo cáo và thảo luận bao gồm: Kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; triển khai kế hoạch bảo đảm cấp, thoát nước mùa hè năm 2019; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, đầu năm 2019, Thành phố đã phân bổ và giao kế hoạch đầu tư, với tổng số vốn 44.917,393 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư cấp thành phố là 29.019.503 tỷ đồng, chi đầu tư cấp huyện 15.897,89 tỷ đồng...
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm
Mở đầu, thừa ủy quyền của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Báo cáo kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.
Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố chậm, nhất là ở cấp thành phố. Hết 5 tháng, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm). Mức giải ngân đạt được thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Sau 5 tháng triển khai kế hoạch (tính đến hết ngày 31-5-2019), chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, như: UBND quận Hà Đông (89%), UBND huyện Đan Phượng (51%), UBND huyện Quốc Oai (49%)...
Đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, tính đến hết ngày 31-5-2019, còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%), như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... Cả 6 ban quản lý dự án của thành phố đều có tỷ lệ giải ngân ở mức thấp dưới mức bình quân.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, ngoài vướng mắc do phải thực hiện quyết định mới về giải ngân của Chính phủ, việc giải ngân chậm còn do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với chủ đầu tư chưa được tốt trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính khi triển khai thực hiện dự án đầu tư theo kế hoạch thành phố giao.
Rút thời gian cấp nước trở lại sau sự cố xuống còn 1 ngày
Báo cáo tóm tắt về kế hoạch cấp nước mùa hè, thoát nước mùa mưa năm 2019, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong năm 2018, bốn dự án cấp nước được hoàn thành đã giúp nâng công suất cấp nước sạch sinh hoạt năm 2019 của thành phố tăng thêm 390.000 m3/ngày-đêm. Tổng công suất cấp nước sạch sinh hoạt từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.370.000 m3/ngày-đêm. Ngoài ra, còn các trạm cấp nước cục bộ cấp nước cho các huyện ngoại thành.
Toàn thành phố hiện có 1.317.000 khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt với lượng nước trung bình khoảng 1.100.000-1.200.000 m3/ngày-đêm. Với dự báo nhu cầu sử dụng nước vào cao điểm mùa hè của người dân sẽ tăng từ 5-10%, số khách hàng tăng thêm khoảng 6%, tổng lượng nước sạch khai thác vẫn bảo đảm cung cấp đủ.
Với việc đưa vào vận hành Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đấu nối bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống cho khu vực các quận Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, trường hợp xảy ra sự cố hoặc bảo dưỡng đường ống số 1 nước sạch sông Đà, thời gian cấp lại nước cho người dân được rút xuống chỉ còn 1 ngày.
Tuy nhiên, hiện tượng thiếu nước cục bộ có thể xảy ra ở một số khu vực đô thị mới đưa vào sử dụng trong khi hệ thống cấp nước chưa được đầu tư đồng bộ, còn sử dụng nguồn từ các trạm cấp nước cục bộ.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp nước mùa hè 2019 bảo đảm an toàn, đầy đủ, Ban cán sự Đảng UBND thành phố yêu cầu các công ty nước sạch rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết, đặc biệt đề phòng các tình huống sự cố có thể xảy ra. Riêng đối với sự cố tuyến đường ống số 1 sông Đà, đơn vị vận hành phải sửa chữa, khắc phục không quá 10 giờ/1 điểm sự cố.
Thành phố cũng yêu cầu hoàn thành các dự án phát triển mạng khu vực nông thôn trong năm 2019 với quy mô 250.000 hộ.
Còn 16 điểm úng ngập
Về Kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2019, 6 tháng đầu năm, thành phố đã xóa thêm được 4 “điểm đen” về úng ngập. Với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm/2 giờ, các tuyến phố chính vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập.
Ngoài ra, còn một số điểm ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp như: Các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận; các tuyến như quốc lộ 1A, quốc lộ 70, quốc lộ 32, quốc lộ 21B; các đường gom Đại lộ Thăng Long...
Nhằm phòng, chống úng ngập hiệu quả, thành phố thực hiện nhiều nhóm giải pháp, tiếp tục nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị, phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ để xử lý những điểm trũng trên các trục đường chính khi có mưa lớn. Các cơ quan có trách nhiệm sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước.
Duy trì chế độ trực 24/24h ở các cấp
Thừa ủy quyền của Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, tính đến hết tháng 5-2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 107 vụ việc cháy, nổ, sự cố, làm 22 người chết, 17 người bị thương, gây thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị thành phố đã huy động trên 3.400 lượt người, 332 lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn.
Thời gian tới, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra ngày một khó lường về tần suất và thời gian xuất hiện; kéo theo nguy cơ cao về các sự cố, thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình. Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, Ban Cán sự đảng UBND thành phố xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện.
Đáng chú ý, thành phố sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và kinh tế - xã hội.
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai năm 2019; tăng cường công tác truyền thông; duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24h ở các cấp.