Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025

UBND TP Hà Nội tích cực đẩy nhanh tiến độ kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, để thông qua trước ngày 15/3.
“Bông hoa Ban” của lực lượng CSGT Hà Nội Hà Nội phát động đợt thi đua cao điểm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp Ngoài hạ tầng, đâu là yếu tố gia tăng sức hấp dẫn của địa ốc Tây Hà Nội năm 2021?

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn có chỉ đạo về việc xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, ông Dương Đức Tuấn cho rằng, tiến độ xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã chậm 2-3 tháng so với quy định phải ban hành. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, khẩn trương hoàn thiện và báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, thông qua trước ngày 15/3/2021.

nhà ở
Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 phải được xây dựng trên cơ sở bám sát Chương trình phát triển nhà ở đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 19/6/2014, các chương trình, nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP Hà Nội.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với 5 quan điểm chủ đạo. Cụ thể, Kế hoạch phải tuân thủ các quan điểm về phát triển nhà ở quy định tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu đô thị, nhà ở phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị. Việc cải tạo, xây dựng phải tuân thủ quy định về độ cao, mật độ dân cư, mật độ xây dựng theo quy hoạch.

Việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 phải bảo đảm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc theo quy định của pháp luật.

Dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn và phát triển ổn định thị trường bất động sản.

Quyết định cũng nêu rõ, mục tiêu, định hướng đến năm 2030, TP Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, thỏa mãn nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Thành phố đề xuất những cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xanh sạch, hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Diện tích nhà ở bình quân toàn TP Hà Nội là 31,5m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 12,6 m2/người), trong đó khu vực đô thị 33,8 m2/người, khu vực nông thôn 27,1 m2/người; tiếp tục thực hiện cải tạo, chỉnh trang nhà ở đã có.

TP Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 93,2%. Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%; tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội đạt 30%. Vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 9.505,8 tỷ đồng (chiếm 1,12% tổng vốn đầu tư xây dựng đến năm 2030) và quỹ đất ở đô thị và nông thôn tăng thêm 5.534,2 ha.

Đức Mậu
Phiên bản di động