Hà Nội có thêm 122 thôn, tổ dân phố mới

Khu vực dân cư được thành lập tổ dân phố là các tòa nhà cao tầng, cụm tòa nhà cao tầng, khu nhà ở liền kề, khu biệt thự liền kề hoặc là khu tập thể của các cơ quan.

Lập chốt kiểm dịch ngay lối ra vào tổ dân phố ở Hà Nội Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, tổ dân phố trong cuộc chiến chống Covid-19 Hà Nội chính thức sáp nhập, đặt, đổi tên hơn 4.100 thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện

Chiều 7/7, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP khóa XV, 94/94 đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập mới thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.

Theo đó, tổng số thôn, tổ dân phố được thành lập từ các khu vực dân cư mới hình thành và chia tách các thôn, tổ dân phố là: 122 thôn, tổ dân phố (gồm 21 thôn và 101 tổ dân phố); Tăng 109 thôn, tổ dân phố (13 thôn, 96 tổ dân phố) so với số thôn, tổ dân phố hiện có. Như vậy, sau khi thành lập mới, toàn thành phố sẽ có 5.369 thôn, tổ dân phố (gồm 2.379 thôn và 2.990 tổ dân phố).

Hà Nội có thêm 122 thôn, tổ dân phố mới
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết

Những khu vực dân cư đề nghị được thành lập tổ dân phố là các tòa nhà cao tầng, cụm tòa nhà cao tầng, khu nhà ở liền kề, khu biệt thự liền kề hoặc là khu tập thể của các cơ quan. Các khu vực dân cư này được hình thành có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; Hiện nay, các khu vực dân cư đang sinh hoạt ổn định, có ranh giới rõ ràng, cơ bản có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh (nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa...). Ngoài ra, thành phố thành lập thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn.

Nghị quyết này cũng bao gồm nội dung đổi tên 2 tổ dân phố thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa và 3 tổ dân phố thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.

Dù đã được thông qua với tỷ lệ cao, tuy nhiên, trước đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn xung quanh nội dung này. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) cho biết, gần 10 năm qua, Hà Nội đã sáp nhập, kiện toàn, sắp xếp được bộ máy, còn lại gần 6.000 thôn, tổ dân phố. Theo chủ trương của Trung ương, đó là các địa phương cố gắng kiện toàn, sắp xếp tinh gọn lại, chứ không phải chia tách, nếu không sẽ trở thành trào lưu ngược.

Do đó, UBND TP phải báo cáo tổng thể với HĐND TP, trong các xã có bao nhiêu thôn có kế hoạch thành lập mới, thậm chí nếu cần, phải báo cáo Thành ủy để thành chủ trương, bởi để thành lập thêm 1 thôn, phải thành lập một hệ thống chính trị kèm theo, dẫn đến bộ máy, hệ thống cơ sở “phình” ra.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ Hoàng Mai) băn khoăn, việc thành lập thôn, tổ dân phố lần này, liệu có lặp lại các thôn, tổ dân phố mà trước đây đã từng thành lập hay chưa? Đối với việc thành lập thêm thôn, tổ dân phố, phải rà soát kỹ, tính đến quy mô trước mắt và tương lai khi dân cư các tòa chung cư về đủ.

Trong quá trình thành lập thôn, tổ dân phố, thì trước đó phải thành lập được ban quản trị các tòa chung cư để đảm bảo hệ thống chính trị được gắn chặt, tiếp quản cư dân tại các tòa nhà. Trong các tờ trình, báo cáo lần sau, cần có thống kê tòa nhà nào đã thành lập ban quản trị, tòa nhà nào chưa thành lập.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động