Hà Nội chủ động xử lý các điểm đê xung yếu trước mùa mưa bão

Dự báo tình hình thời tiết thủy văn năm 2019 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão, đặc biệt là trong việc xử lý các điểm đê xung yếu.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
ha noi chu dong xu ly cac diem de xung yeu truoc mua mua bao
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí

Thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14/5, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong năm nay, hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, tố, mưa lớn cục bộ có thể diễn ra trong các tháng giao mùa; nắng nóng kéo dài. Mưa lớn tập trung với cường độ mạnh diễn ra trong thời gian ngắn sẽ gây ngập úng tại các khu vực đô thị, vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Điều này sẽ kéo theo nguy cơ cao về các sự cố, thảm họa cháy, nổ, sập công trình. Bão, lũ cũng sẽ diễn biến bất thường với thời gian xuất hiện đỉnh lũ trên sông Đà, hạ lưu sông Hồng, sông Đuống vào tháng 7 hoặc tháng 8, sông Đáy vào tháng 8 hoặc tháng 9…

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão năm 2019. Sở chỉ đạo các đơn vị liên quan và quận, huyện, thị xã khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ đập trên toàn địa bàn, nhất là rà soát quy trình tích nước và vận hành; những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa trong mùa lũ năm 2019.

Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2019. Cụ thể, Chi cục đã xác định 3 trọng điểm đê, kè gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu (đê tả Đuống, huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc (đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm); đê, kè Cổ Đô (đê hữu Hồng, huyện Ba Vì) và 13 điểm đê xung yếu khác trải dài trên nhiều quận huyện như: kè Khê Thượng (huyện Ba Vì), đê Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ), kè Liên Trì (huyện Đan Phượng), kè An Cảnh (huyện Thường Tín), cống trạm bơm Thụy Phú (huyện Phú Xuyên), đê hữu Đuống (quận Long Biên)...

Từ đó, lực lượng chức năng xây dựng phương án hộ đê cụ thể đối với từng vị trí trong trường hợp khẩn cấp nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch thoát nước mùa mưa và phòng, chống ngập úng; khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, cống ngầm... nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát úng; sẵn sàng lực lượng ứng trực, mở nắp ga, khơi thông hàm ếch ga thu và hướng dẫn phương tiện giao thông tránh các điểm úng ngập.

Thường Duy
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động