Hà Nội “chốt” 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021

Chiều 7/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021.
HĐND TP Hà Nội: Quyết liệt, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ Khai mạc kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV: Quyết định nhiều nội dung quan trọng Tập thể UBND TP Hà Nội xem xét nhiều nội dung quan trọng trình kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố

Theo dự thảo Nghị quyết trình bày tại kỳ họp, mục tiêu chung năm 2021 của TP Hà Nội là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển mạnh văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã nội, nâng cao đời sống người dân.

Thành phố sẽ tăng cường quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng Nông thôn mới, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp

Dự thảo Nghị quyết cũng thống nhất với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; Vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; Số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...

Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP cũng xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; Triển khai thực hiện tốt 2 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19; Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, thành phố tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; Tăng cường xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Tại báo cáo thẩm tra chung của các ban HĐND TP, các ban của HĐND TP đề nghị UBND TP làm rõ hơn cơ sở tính toán để đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP là 7,5% trong năm 2021; Dự báo xu hướng diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 để từ đó có các biện pháp chủ động sẵn sàng ứng phó phù hợp cũng như chuẩn bị cho quá trình phục hồi của từng ngành, lĩnh vực; Nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp quốc tế đến Thủ đô; Khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới…

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại kỳ họp
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại kỳ họp

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (tổ đại biểu Tây Hồ) đề nghị UBND TP tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đã nằm trong danh mục nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND TP tiếp tục sâu sát với các quận, huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc phân cấp cho quận, huyện, nhất là việc mua sắm tập trung để xem xét và tháo gỡ những vấn đề bất cập trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) kiến nghị thành phố cần tiếp tục sâu sát với cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong chính sách tiếp cận.

Đánh giá cao việc Hà Nội chọn cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để “chấm điểm” lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện; Thành lập cơ quan giám sát việc cắt giảm các rào cản đối với sản xuất kinh doanh; có các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệm tham vấn, thẩm định đối với việc ban hành chính sách mới...

Đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ Phú Xuyên) nhận định: "Trong năm 2020, không ai còn nghi ngờ nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ đầu năm, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo sát sao đối với ngành nông nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của ngành".

Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết
Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết

Năm 2021, để Thủ đô trở nên “xanh, sạch, đẹp và đáng sống”, bên cạnh phát triển đô thị, thành phố cần tiếp tục quan tâm đến khu vực nông thôn; Phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, bền vững...

Đại biểu Phạm Hải Hoa cho rằng, thành phố cần kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa Luật Đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn; Bên cạnh đó, có chính sách, “đòn bẩy” để phát triển khởi nghiệp trong nông nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia sản xuất nông nghiệp.

Kết thúc nội dung này, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội, với 91/91 đạt biểu có mặt tán thành.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động