Phát triển TOD tại Hà Nội: Cần giải pháp đồng bộ

Bài 1. Hà Nội cần được phân quyền mạnh để phát triển mô hình TOD

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường. Để phát triển mô hình này, Thủ đô Hà Nội rất cần các giải pháp đồng bộ từ tháo gỡ vướng mắc luật pháp, cơ chế đặc thù và quy hoạch.

Bài 1. Hà Nội cần được phân quyền mạnh để phát triển mô hình TOD

Theo TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, TP Hà Nội cần được phân quyền mạnh hơn nữa để phát huy lợi thế hợp tác công tư khi phát triển mô hình TOD.

Mô hình TOD (Transit Oriented Development) là hướng quy hoạch tập trung vào việc phát triển không gian đô thị xung quanh hệ thống giao thông công cộng hiện đại, lấy đường sắt đô thị làm hạt nhân trung tâm. Hiện mô hình này được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Xoay quanh vấn đề này, TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam đã trao đổi cùng PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Hà Nội nên tập trung vào việc hình thành không gian đô thị xung quanh hệ thống giao thông công cộng hiện đại theo mô hình TOD mà nhiều quốc gia đang hướng tới. Theo ông, vấn đề này ở Hà Nội gặp phải thách thức gì?

TS Emmanuel Cerise: Tôi thấy để Hà Nội phát triển theo mô hình TOD thì có 2 vấn đề. Thứ nhất là, chúng ta có thể phát huy tối đa lợi thế của mô hình hợp tác công tư trong việc huy động các nguồn tài chính để đầu tư cho phát triển các khu vực mà theo mô hình TOD. Đặc biệt là lưu ý các điểm ga của các mô hình hệ thống giao thông công cộng, lồng ghép các nhà ga vào không gian đô thị và phát triển theo mô hình TOD. Hà Nội nên tận dụng tối đa lợi thế của mô hình hợp tác công tư về mặt tài chính.

Thứ hai là, khi phát triển và đưa vào khai thác những khu vực đó, thành phố Hà Nội phải có cơ chế rõ ràng. Các nhà đầu tư tư nhân có được quyền tham gia phát triển mô hình TOD và họ được hưởng lợi từ đó thì họ mới đầu tư. Nhưng sau đó, đưa vào khai thác, chúng ta phải làm sao cho đại bộ phận công chúng đều nhận ra rằng, đó là không gian công cộng chứ không phải là sở hữu riêng của các nhà đầu tư và họ được quyền sử dụng tùy ý. Không gian này phải dành cho cộng đồng và chính quyền được quyền quản lý việc khai thác và sử dụng những không gian đó.

Khi hài hòa về cơ chế thì ở khía cạnh kinh tế, chúng ta áp dụng mô hình hợp tác công tư thành công, còn về mặt khai thác sử dụng thì phải phục vụ cho cộng đồng.

PV: Nhiều năm làm việc tại Hà Nội, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của chính quyền thành phố trong việc phát triển mô hình TOD?

TS Emmanuel Cerise: Có thời gian lâu năm làm việc ở Hà Nội, tôi nhận thấy rằng, mô hình TOD chỉ có thể thành công khi chính quyền thành phố Hà Nội được trao quyền, phân quyền đầy đủ hơn. Chúng ta có một khuôn khổ pháp lý – đó là Luật Thủ đô, nhưng Hà Nội đã thực sự được phân quyền hay chưa? Cần phải áp dụng và cụ thể hóa được Luật Thủ đô để chính quyền Hà Nội có được những lựa chọn linh hoạt hơn trong việc áp dụng mô hình hợp tác công tư.

Bài 1. Hà Nội cần được phân quyền mạnh để phát triển mô hình TOD
TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về việc trao quyền, phân quyền cho Hà Nội trong việc phát triển mô hình TOD?

TS Emmanuel Cerise: Nói về việc phân quyền mạnh hơn cho chính quyền đô thị TP Hà Nội, tôi nhận thấy có vấn đề là, khi đề cập đến phát triển theo mô hình TOD, chúng ta hay nghĩ đến những dự án đầu tư về mặt hạ tầng. Nhưng trên thực tế, nói đến TOD thì không chỉ đơn giản là quy hoạch một khu vực, không gian theo hướng phát triển theo mô hình TOD mà quan trọng hơn nữa là còn cần tính đến quá trình đưa vào khai thác sử dụng không gian, khu vực đó một cách hiệu quả.

Bên cạnh những quy định mang tính chất quy chuẩn quốc gia về các khu vực phát triển đô thị xung quanh các khu nhà ga trung tâm của hệ thống giao thông công cộng như hiện nay, chúng ta phải cho phép chính quyền TP Hà Nội được ban hành những quy định bổ sung có tính linh hoạt hơn để khai thác tối đa được lợi thế về mặt không gian công cộng, đất đai ở những khu vực được quy hoạch thành các dự án TOD.

Ví dụ: Ở các điểm nút giao thông lớn tại khu vực ngoại thành Hà Nội, chúng ta luôn có các quy định rất rõ về các không gian vùng đệm để đảm bảo an toàn cho người dân. Cụ thể, khu dân cư có một khoảng cách nhất định so với các điểm nút giao thông ấy.

Vậy nhưng, nếu quy hoạch một điểm nút giao thông quan trọng nằm trong nội đô và phát triển theo hình thức TOD, thì những không gian vùng đệm đó có cần thiết nữa hay không? Nếu chúng ta để những không gian trống như thế thì quá lãng phí so với các không gian công cộng đang thiếu.

Vậy nên chúng ta phải cân nhắc cho phép Hà Nội được ban hành những quy định bổ sung để kiểm soát và phát huy tối đa giá trị của những không gian như vậy.

Hà Nội cần được phân quyền mạnh để phát triển mô hình TOD

Mô hình TOD được thiết kế để có thể phát triển giao thông công cộng, xây dựng nhiều không gian xanh và gần gũi với thiên nhiên, đồng thời tăng khả năng kết nối cộng đồng. Hiện nay, mô hình TOD đang được áp dụng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được đánh giá là đô thị phù hợp để phát triển mô hình này.

PV: Ông có thể đưa ra một ví dụ cụ thể hơn về sự bất cập trong quy hoạch giao thông của một khu vực hay một không gian đô thị nào đó ở Hà Nội?

TS Emmanuel Cerise: Bạn có thể thấy điều này rất rõ khi nghiên cứu khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tôi đã có thời gian khảo sát thực tế và nhận thấy các nút giao thông trọng điểm bên trong khu đô thị Hòa Lạc hiện vẫn đang quy hoạch giống như nút giao ngoài quốc lộ. Cụ thể, nơi đây có nhiều không gian xanh rất rộng, được quy hoạch thành dạng như “đảo giao thông”. Nhưng rõ ràng, thực tế thì những không gian xanh đó không ai tiếp cận được cả. Quy hoạch như thế chỉ để biến khu vực đó thành “đảo giao thông” vô cùng lãng phí.

Với một điểm nút như thế, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một dự án theo hình thức TOD. Đó là phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Trong đó lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Hà Nội có những điểm nút như thế mà không theo TOD, lại duy trì giống như điểm nút giao thông thuộc mạng lưới đường cao tốc quốc gia như vậy thì thật lãng phí và không phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nhiều giải pháp về giao thông, môi trường cho đô thị thông minh Nhiều giải pháp về giao thông, môi trường cho đô thị thông minh
Hà Nội xây dựng giao thông thông minh như thế nào? Hà Nội xây dựng giao thông thông minh như thế nào?
Cơ chế đặc thù cho Thủ đô cả nước, không chỉ riêng Hà Nội Cơ chế đặc thù cho Thủ đô cả nước, không chỉ riêng Hà Nội
Thanh Thắng (thực hiện)
Phiên bản di động