Hà Nội xây dựng giao thông thông minh như thế nào?
Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ |
An toàn, kết nối, bền vững
Chiều 29/11, tại Hội thảo "Hạ tầng, kết nối" thuộc khuôn khổ sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023, các đại biểu đã thảo luận về xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho thành phố Hà Nội.
Chia sẻ với các chuyên gia và đại biểu, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải, ở thời điểm hiện tại, hạ tầng giao thông của Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn khi tính tới tháng 6/2023, tổng số phương tiện cá nhân đã đạt tới con số gần 8 triệu với mức độ gia tăng của xe máy là 4-5%/năm và ô tô là 7-10%/năm. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 12-13%, kém rất nhiều so với con số 23-26% theo quy định của Hà Nội. Do đó, tình trạng ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống giao thông thông minh với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, với ba trụ cột là an toàn, kết nối, bền vững. |
Để giải bài toán trên, cũng như hướng tới việc xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, mới đây, Sở GTVT đã hoàn thiện Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội. Đây được xem là cơ sở quan trọng nhằm hình thành hệ thống giao thông thông minh, quản lý hiệu quả hơn hoạt động giao thông của thành phố cũng như tiết kiệm tối đa chi phí cho ngân sách phải bỏ ra cho lĩnh vực giao thông. Bên cạnh đó là phát triển giao thông công cộng bền vững cũng như dữ liệu được tích hợp và chia sẻ.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội cần phải có một Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Hệ thống này giúp tăng cường thông tin giao thông và nâng cao hiệu quả quản lý điều hành. Phát triển cơ sở hạ tầng cho ITS sẽ giúp dữ liệu được dùng chung cũng như chia sẻ tới các chủ thể tham gia khai thác dữ liệu như các sở, ngành… Qua đó sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc quản lý cũng như khai thác dữ liệu giao thông.
Quang cảnh buổi toạ đàm chuyên đề |
Cũng theo ông Đỗ Việt Hải, kiến trúc ITS của Hà Nội sẽ gồm 4 cấu phần chính và lấy người dân làm trung tâm. Khi đó người dân có thể thông qua thiết bị thông minh như smartphone để cài đặt các ứng dụng giao thông thông minh và thanh toán qua điện thoại (thẻ, tài khoản ngân hàng hay ứng dụng thanh toán trực tuyến …). Phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh từ ô tô con, xe khách cho đến xe máy, xe đạp …
Cấu phần quan trọng khác là Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố sẽ thực hiện các nhiệm vụ như: Quản lý giao thông, quản lý khẩn cấp, quản lý bảo trì bảo dưỡng, thông tin giao thông, quản lý dữ liệu… Việc thu thập dữ liệu được thực hiện thông qua camera giám sát, đèn tín hiệu giao thông, bãi đỗ xe, cảm biến IoT … cũng như quá trình xử lý thông tin sẽ có sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm đưa ra quyết định.
Về chiến lược trụ cột, Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội xác định tăng cường thông tin là ưu tiên hàng đầu với tiêu chí giàu, nhanh và chính xác. Các thông tin sẽ được thu thập qua nhiều nguồn như App Hanoi maps, hệ thống thông tin trên phương tiện công cộng, hệ thống thông tin tại điểm công cộng … Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả quản lý điều hành giao thông thông qua các hệ thống giám sát, hệ thống điều khiển, hệ thống điều hành giao thông công cộng. Ngoài ra là phát triển cơ sở hạ tầng ITS thông qua Trung tâm điều hành giao thông tích hợp, hệ thống bảng báo điện tử, đèn tín hiệu, Hệ thống camera, cảm biến …
Nói về lộ trình phát triển ITS của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, trong giai đoạn 2024-2026, sẽ hoàn thành nâng cấp Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng thành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố; xây dựng bản đồ số giao thông thành phố cùng các lớp cơ bản. Bên cạnh đó là đầu tư, lắp đặt các thiết bị giám sát, điều hành giao thông, xây dựng phần mềm ứng dụng thông tin giao thông thành phố Hanoi Map cũng như triển khai thẻ vé liên thông.
Trong giai đoạn 2027-2030, ưu tiên hàng đầu là xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp của thành phố Hà Nội; tiếp tục đầu tư, lắp đặt các thiết bị giám sát, điều hành giao thông; khảo sát, dự báo nhu cầu giao thông thành phố phục vụ công tác quy hoạch, tổ chức giao thông. Ngoài ra là triển khai dự án Thu phí nội đô giai đoạn 1.
Đối với giai đoạn 2030-2045, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng phần mềm mô phỏng trực tuyến Bản sao số cho hệ thống giao thông thành phố; nâng cấp Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp của thành phố Hà Nội; hoàn thành đầu tư, lắp đặt các thiết bị giám sát, điều hành giao thông và tiến hành thu phí nội đô giai đoạn 2.
Ông Đỗ Việt Hải cho rằng, để hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thành phố cần rất nhiều sự trợ giúp từ cơ chế, chính sách của Hà Nội nói riêng và trung ương nói chung. Bên cạnh việc cần có các tiêu chuẩn rõ ràng về việc kết nối, liên thông dữ liệu thì cơ chế khuyến khích hợp tác công – tư trong xây dựng, vận hành các cấu phần của hệ thống giao thông thông minh cũng rất cần thiết. Bởi cơ chế này sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí mà ngân sách phải bỏ ra khi xây dựng giao thông thông minh.
Nói về hiệu quả thực tế của Hệ thống giao thông thông minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải nêu ra ví dụ về thẻ vé liên thông vừa được Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội đưa vào triển khai. Theo tính toán, hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm được chi phí cho 4.000 người lao động bán vé trên xe bus. Từ đó tiết kiện được khoảng 300 tỷ đồng/năm, trong khi chi phí mà Hà Nội phải bỏ ra để thuê ngoài chỉ là 60 tỷ/năm, đây là con số rất lớn.
Chuyên gia trong nước, quốc tế hiến kế
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các ý kiến, tham luận chất lượng của chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế liên quan đến xây dựng giao thông thông minh tại Hà Nội.
Là địa phương thuộc nhóm đi đầu cả nước về việc xây dựng thành phố thông minh, tại khuôn khổ Hội thảo, đại diện Đà Nẵng đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện quá trình này. Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, ngay từ năm 2020, địa phương đã bắt đầu xây dựng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh cho thành phố thông minh. Đây là tiền đề vững chắc để Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện thành phố thông minh trong những năm qua.
Ông Max Lua (Công ty Singapore Cotec) trình bày về thành phố thông minh |
Cách tiếp cận trong triển khai thành phố thông minh là triển khai theo từng giai đoạn với lộ trình, trọng số, mức độ ưu tiên khác nhau nhưng đảm bảo tính bền vững dựa trên mô hình tam giác đều gồm: Dữ liệu - Thông minh - Hạ tầng. Tuy nhiên nguyên tắc xuyên suốt được duy trì là: Đa đối tác (Một nền tàng; Một hạ tầng; Một chính sách) - Đa ứng dụng - Phục vụ chính cho Tổ chức/Công dân.
Riêng về mặt chính sách, ngay từ năm 2019, Đà Nẵng đã ban hành các văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 16/4/2019 của Thành uỷ Đà Nẵng về phát triển hạ tầng CNTT-TT tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0; Quy hoạch Ngành thông tin và truyền thông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045̀ trong Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là các cơ sở quan trọng để Đà Nẵng đẩy mạnh quy hoạch và phát triển hạ tầng số.
Phó Giám đốc Trần Ngọc Thạch cho biết thêm, hạ tầng số thông minh của Đà Nẵng đã được liên tục đầu tư trong những năm qua, đây cũng là nền tảng vững chắc để xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, hạ tầng mạng kết nối viễn thông dùng riêng đã có mạng đô thị thành phố (Mạng MAN) với 450 km cáp quang ngầm. Kết nối 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận đoàn thể từ thành phố đến xã, phường với băng thông đến 20Gbps.
Các đại biểu toạ đàm, góp ý tại buổi hội thảo |
Mạng wifi công cộng có 300 thiết bị phát wifi chuyên dụng miễn phí; 1.000 điểm wifi của các doanh nghiệp triển khai miễn phí tại các khu vực sân bay, nhà ga, các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà văn hóa thôn. Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tới 95%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 98,8%.
Không chỉ vậy, mạng kết nối IoT công cộng cũng được trú trọng khi doanh nghiệp, giảng viên Đại học, sinh viên có thể sử dụng các hệ thống hiện đại như: hệ thống ứng cứu khẩn cấp Qm kiếm cứu nạn trên sông và biển; Bộ điều khiển đèn LED chiếu sáng thông minh; Hệ thống Campus Smart tại khuôn viên Đại hoc Bách khoa; thiết bị đo lượng mưa và các thông số môi trường. Hệ thống LoRaWireless với 23 trạm, phủ sóng cơ bản kín khắp trung tâm thành phố để kết nối IoT và cho cộng đồng sử dụng chung, phát triển ứng dụng.
Về hạ tầng giao thông thông minh, ông Trần Ngọc Thạch cho biết, đây là lĩnh vực luôn được Đà Nẵng tập trung đầu tư. Điều này có thể thấy qua hệ thống 3.000 camera giám sát giao thông thông minh được lắp khắp thành phố có ứng dụng công nghệ AI giúp nhận dạng, phân loại phương tiện, thực hiện truy vết lộ trình xe tự động qua biển số, theo dõi tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông, giám sát các phương tiện vận tải, truy vết, xử lý các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải... Bên cạnh đó là hệ thống giám sát đỗ xe thông minh (Danang Parking) đang giám sát tình trạng đỗ xe trên 80 tuyến đường và trong 25 bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố. Các dữ liệu về giao thông được kết nối về trung tâm chung, chia sẻ dữ liệu cho 7 quận huyện trên địa bàn thành phố.
Đối với hạ tầng công nghệ nền tảng, kho dữ liệu dùng chung của Đà Nẵng có quá trình thu thập, quản trị dữ liệu hướng đến “đúng, đủ, sạch, sống” . Kho dữ liệu này thu thập thông tin qua các cơ sở dữ liệu nền, thiếp bị IoT… với gần 8 triệu dữ liệu đạt chất lượng và chuẩn hóa hơn 1,3 triệu dữ liệu không đạt chất lượng.
Đà Nẵng cũng xây dựng Cổng dữ liệu mở thành phố thành nền tảng cung cấp dữ liệu mở thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số với 930 bộ dữ liệu cho hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng Cổng dữ liệu mở này để tạo ra sản phẩm công nghệ số mới, có thể kể đến như: Tra cứu cơ sở An toàn thực phẩm; Ứng dụng về quản lý xe cứu thương; Tạo bản đồ COVID-19 … Ngoài ra hiện có hơn 10 cơ quan, địa phương các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã đăng ký sử dụng Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng.
Không chỉ vậy, Đà Nẵng còn có phát triển nhiều nền tảng số nhằm phục vụ người dân. Tiêu biểu có thể kể đến là Nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng – My Portal Đà Nẵng. Nền tảng này không chỉ giúp người dân quản lý các giấy tờ như CCCD, giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ… mà còn giúp thực hiện các dịch vụ, tiện ích số của chính quyền trên môi trường trực tuyến cũng như cung cấp thông tin, thông báo của chính quyền tới người dân theo hướng cá nhân hóa từng người dùng.
Ngoài ra, hạ tầng các khu công nghệ thông tin thành phố cũng được tập trung đầu tư nhằm sẵn sàng không gian làm việc và truyền dẫn số quốc tế để phát triển công nghiệp CNTT cho Đà Nẵng. Có thể kể đến như: High-tech Park (1017ha); Da Nang Centralized IT Park (341ha); InnovaYon Center (17ha); Souware Park No.2 (5,3ha); So@ware Park No.1 (1ha); FPT Complex (5,9ha).
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong việc xây dựng thành phố thông minh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch đã đưa ra một số kiến nghị cho các cơ quan quản lý về mặt chính sách. Theo đó, cần sớm có khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam để các địa phương thuận lợi trong triển khai, thúc đẩy công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất vi mạch, Fintech ….
"Bên cạnh đó là sớm ban hành các hướng dẫn về mức độ mở của dữ liệu, các chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở, dịch vụ dữ liệu của các cơ quan nhà nước, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu số; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng dữ liệu mở tạo ra sản phẩm mới", ông Trần Ngọc Thạch nói.