Hà Nội cần chú trọng phát triển các khu đô thị mới
Chính thức ban hành Nghị định về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Thông báo kết luận nêu rõ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí Lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân, dân Thủ đô và những thành tựu quan trọng đã đạt được trong những năm qua và 3 tháng đầu năm 2021, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phát triển khá toàn diện, GRDP bình quân đạt 6,68% (cao hơn mức tăng của cả nước). Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra (96,3% xã đạt chuẩn nông thôn mới với 13 huyện và 368 xã)...
Ảnh minh họa |
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm; quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ; công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, để phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận; việc xử lý úng ngập, ùn tắc giao thông còn nhiều thách thức...
Trong thời gian tới, để tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ trên các lĩnh vực, xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô "trái tim của cả nước", Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội cần chú trọng một số giải pháp.
Trong đó, Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển là thành phố giàu đẹp, xanh, sạch, có bản sắc và kỷ cương, văn minh, thanh lịch; xây dựng thành phố thông minh, năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD - một thành phố đáng sống của mọi người dân và bạn bè quốc tế. Một thành phố an toàn tuyệt đối trong biến đổi thời tiết cực đoan.
Đồng thời, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; chú trọng đầu tư vào hoạt động bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, gắn văn hóa với phát triển kinh tế và du lịch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với Vùng Thủ đô để phát triển đô thị vệ tinh hấp dẫn, trong đó, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm phát triển, phát triển cân đối, hài hòa hai bên trục sông Hồng và phía Bắc sông Hồng trở thành đô thị hiện đại, hạ tầng đồng bộ, trở thành Trung tâm tài chính quốc tế của khu vực và thế giới.
Thông báo nêu rõ, thành phố Hà Nội cần tiên phong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo "5K + Vắc xin". Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ giám sát COVID-19 cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả.
Hà Nội cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị, phát triển đô thị - kinh tế đô thị.
"Chú trọng phát triển các khu đô thị mới để vừa tạo động lực phát triển vừa giãn dân, đặc biệt phát triển nhà ở xã hội và xây dựng cải tạo chung cư cũ'', thông báo kết luận nêu.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; có giải pháp quyết liệt để tăng điểm, tăng thứ hạng Chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Cùng với đó, Hà Nội cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xứng đáng là cán bộ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
''Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô'', thông báo kết luận nêu.