Hà Nội - Bài 1: Vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tràn lan tại xã Tân Lập
Buông lỏng quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức ? |
Vi phạm tràn lan
Thời gian qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh của nhiều người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng tràn lan trên địa bàn xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội).
Theo phản ánh của người dân, trên phần đất nông nghiệp dọc tuyến đường 422 (đường 79 cũ) thuộc cụm 8, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều công trình, nhà xưởng, nhà ở trái phép, thậm chí cả cửa hàng xăng dầu cũng xây dựng lấn chiếm đất nông nghiệp.
Một số người dân địa phương cho biết, cây xăng Bình Thúy nằm ngay mặt đường 422 đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng phần đất trên khu vực xây dựng cây xăng đang lấn chiếm đất nông nghiệp, bên cạnh còn có công trình nhà ở kiên cố 2 tầng đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Cây xăng Bình Quý và căn nhà 2 tầng kiên cố được cho là của chủ cây xăng tồn tại trên phần đất nông nghiệp. |
Bên cạnh đó, dọc tuyến đường 422, cụm 8, xã Tân Lập dù là đất nông nghiệp, đất xen kẹt nhưng cũng xuất hiện hàng loạt nhà xưởng được lợp tôn làm các tiệm rửa xe, đại lý kinh doanh...
Đáng nói, người dân địa phương rất bức xúc trước công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương bởi mặc dù các công trình trên là xây dựng, tồn tại trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không xử lý dứt điểm, công nhiên tồn tại thách thức sự tôn nghiêm của pháp luật.
Sau khi nhận được thông tin, phóng viên đã Báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận thực tế dọc tuyến đường 422, cụm 8, xã Tân Lập. Khu vực này có hàng chục nhà xưởng lợp tôn, cây xăng Bình Thúy cùng một căn nhà 2 tầng kiên cố cũng tọa lạc ngay mặt đường. Thậm chí, các công trình và cây xăng người dân phản ánh là vi phạm chỉ cách UBND xã Tân Lập khoảng 1km.
Khu vực Cầu Xây, Hạnh Đàn cũng xuất hiện nhiều công trình vi phạm. |
"Cây xăng Bình Thúy được xây dựng và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, phần đất được xây chỉ hơn 118m2, hiện cả cây xăng lẫn nhà ở kiên cố như biệt thự cạnh đó đã lấn sang phần đất nông nghiệp vài trăm mét vuông'', một người dân xã Tân Lập cho biết.
Người này cũng đặt vấn đề: "Cả một cây xăng lớn, nhà ở kiên cố và hàng loạt chục công trình xây dựng ngay mặt đường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và mất an ninh trật tự mà không hiểu sao không bị xử lý, có hay không việc làm ngơ, bao che của chính quyền địa phương".
Vi phạm không chỉ diễn ra ở những địa điểm trên, mà ở khu vực Cầu Xây, Hạnh Đàn thuộc xã Tân Lập cũng đang tồn tại nhiều công trình nhà ở kiên cố được xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp. Hơn nữa, tình trạng san lấp ao hồ rồi lấn chiếm để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng cũng diễn ra ngang nhiên nhưng không hề bị xử lý, công khai tồn tại như chốn vô pháp.
Đặc biệt, tại khu vực cụm 5, xã Tân Lập cũng xuất hiện rất nhiều công trình vi phạm pháp luật về đất đai, do khu vực này gần Trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội nên hàng chục căn nhà đã được người dân xây trên đất ruộng nhằm phục vụ nhu cầu cho sinh viên thuê trọ. Cũng như những nơi khác, các công trình tại đây dường như có phép tàng hình nên chính quyền địa phương không hề hay biết (?).
"Bật đèn xanh" cho vi phạm
Để làm rõ sự việc trên, ngày 22/7, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Quy - Chủ tịch UBND xã Tân Lập.
Theo đó, ông Quy thừa nhận trên địa bàn xã Tân Lập tình trạng vi phạm đất nông nghiệp, trật tự xây dựng diễn biến phức tạp, do sự quản lý yếu kém của chính quyền cũng như sự ngang nhiên, bất chấp của người dân. "Tôi thừa nhận thông tin của các đồng chí là đúng, có rất nhiều công trình vi phạm nằm trong quy hoạch dự án, người dân họ xây lên khi nào làm dự án thì sẽ phá dỡ'', ông Quy nói.
Còn về cây xăng Bình Thúy và căn nhà ở 2 tầng kiên cố, ông Quy cho biết, khu đất cây xăng trước kia được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao cho HTX xây dựng Giao Thủy thuê để xây dựng cửa hàng bán xăng dầu. "Họ được UBND tỉnh Hà Tây cho thuê đất để làm cây xăng, nhưng việc xây căn nhà kiên cố 2 tầng là sai rồi vì trước kia chỉ là nhà cấp 4 làm văn phòng cây xăng nhưng giờ lại xây làm nhà kiên cố để ở'', ông Quy nói thêm.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tân Lập. |
Mặc dù vậy, theo tài liệu mà UBND xã Tân Lập cung cấp cho phóng viên, diện tích được UBND tỉnh Hà Tây cho thuê để làm cây xăng chỉ là 118m2. Trong khi đó, hiện trạng cả khu vực cây xăng đã lên tới 604m2.
Nói về vấn đề này, ông Quy cho biết, chủ cây xăng đã làm đơn gửi UBND huyện Đan Phượng xin thuê thêm diện tích còn lại, tuy nhiên khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ thì tại thời điểm làm việc thì vị này không cung cấp được. Bên cạnh đó, phóng viên cũng đặt vấn đề nếu thuê thêm thì đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa thì vị Chủ tịch xã Tân Lập không trả lời được với lý do "không nắm được".
Các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại cụm 5, xã Tân Lập. |
Ngoài ra, phóng viên nêu câu hỏi, việc cây xăng và nhiều công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất nông nghiệp, chính quyền có kiểm tra, lập biên bản hay không và hướng xử lý trong thời gian tới như thế nào thì ông Quy nói: "Các đồng chí phản ánh là đúng, chúng tôi tiếp thu và sẽ rút nghiệm nghiệm. Nhưng thôi thì người ta làm ăn kinh tế, xây nhà trên đó thì bỏ qua cho họ".
Cũng theo tài liệu của phóng viên có được thì tất cả các công trình được phản ánh ở trên đang tồn tại trái pháp luật. Đáng nói là, dù vi phạm ngang nhiên và địa điểm cũng chỉ cách trụ sở UBND xã Tân Lập là không xa nhưng không hề bị xử lý, thậm chí lãnh đạo xã còn "xin" bỏ qua cho vi phạm, như vậy là trái ngược với quan điểm xử lý nghiêm minh của UBND TP Hà Nội.
Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng từ Chính phủ, TP Hà Nội đều chỉ đạo kiên quyết xử lý những vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, đặc biệt là tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp. Nhưng có vẻ như "trên thì nóng, nhưng dưới vẫn lạnh'', từ cấp huyện trở xuống vẫn đang lơ là chức trách, nhiệm vụ của mình để các công trình trái phép ngang nhiên tồn tại, thách thức sự kiên nhẫn của người dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.
"Việc để xảy ra vi phạm là trách nhiệm của chính quyền địa phương, từ xã đến huyện buông lỏng quản lý. Phát hiện vi phạm không xử lý lại xin bỏ qua là không thể chấp nhận được, sẽ xảy ra tiền lệ xấu. Vì vậy, tôi đề nghị cần xử lý nghiêm và làm rõ có dấu hiệu lợi ích hay không", Luật sư Vi Văn Diện (Đoàn luật sư Hà Nội) góp ý.
Trước những vấn đề trên, để lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo UBND huyện Đan Phượng cùng các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ pháp lý, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng cũng như việc xử lý trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo địa phương để xảy ra vi phạm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.