Giọt nước mắt tự hào khi con 18, tự ‘mở toang’ cánh cửa đại học quốc tế cho mình
Ảnh kỷ yếu đặc biệt “Có những điều con chưa dám nói” Những nữ sinh xinh đẹp, dễ thương trường Phan Đình Phùng ngày bế giảng |
Trên sân khấu của lễ bế giảng, Nguyễn Võ Trọng Nhân đã gửi lời tri ân cha mẹ, thầy cô và mạnh mẽ khẳng định: “Con ở đây và con đã trưởng thành”. Dưới khán đài, chị Phi Hoàn, mẹ của Trọng Nhân đã khóc, giọt nước mắt mừng vui khi cậu con trai cả đã khôn lớn, có tầm nhìn xa, tự tin hoạch định tương lai cho chính mình.
Trọng Nhân trong Lễ tốt nghiệp TH school |
Trọng Nhân là một trong những học sinh đầu tiên nhận học bổng toàn phần của TH School từ năm học 2016 - 2017. Qua 3 năm học tại ngôi trường quốc tế màu hồng giữa Thủ đô, Trong Nhân và 26 bạn cùng lớp đã vượt qua chính mình, vượt qua những căng thẳng, nỗi nhớ nhà để đạt được những thành tựu rực rỡ.
Ở tuổi 18, Trọng Nhân và các bạn cùng lớp đã tự ‘mở toang’ cánh cửa đại học cho mình khi ‘săn’ được học bổng từ những trường đại học danh giá. Trọng Nhân đã nhận được 3 lời mời từ các trường quốc tế và cậu chọn nước Mỹ. Cô bạn An Na cùng lớp nhận được 4 thư mời học kèm học bổng và vẫn đang chờ đợi để chọn được đích đến cuối cùng. Cậu bạn Bảo Ngọc đã chốt sang tháng 2 đi Úc. Bạn Hà Vy cũng chọn Úc làm điểm đến. Và rất nhiều các cô cậu bạn trong lớp của Trọng Nhân chỉ còn đợi kết quả cuộc thi A-level là lên đường du học.
Học sinh khối 12 TH school vừa kết thúc kỳ thi A Level để lấy bằng quốc tế. Trong lễ bế giảng, hầu hết các em đã được nhiều trường đại học lớn trên thế giới nhận vào học và cấp học bổng/hỗ trợ tài chính. |
Nhưng các học bổng danh giá chỉ là kết quả cuối cùng trên hành trình trưởng thành quả cảm, dám ước mơ và nỗ lực không ngừng để thực hiện ước mơ của Trọng Nhân và các bạn.
Chị Phi Hoàn, mẹ Trọng Nhân cho biết: Trước khi vào TH School, Nhân đã đỗ trường chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu. Nhận được học bổng toàn phần từ Quỹ Vì tầm vóc Việt, gia đình rất vui nhưng cũng phân vân dữ lắm. Miền Bắc thì lạnh lẽo, xa xôi mà Nhân mới chỉ là cậu nhóc bé nhỏ 16 tuổi. Chính Nhân đã thuyết phục gia đình khi nói rằng cậu ước mơ được đi du học và TH School với môi trường giáo dục toàn bằng tiếng Anh và chương trình phổ thông quốc tế sẽ giúp cậu tiến đến rất gần với giấc mơ của mình.
Chị Phi Hoàn (áo trắng đứng giữa)- mẹ Trọng Nhân tới dự Lễ Bế giảng của con- mà chị gọi là lễ bế giảng hạnh phúc. |
Suốt 3 năm đằng đẵng, dù chẳng được ở gần con nhưng chị Phi Hoàn vẫn vô cùng yên tâm, tin tưởng bởi bất cứ thông tin nào về con chị cũng được cập nhật ngay trong tin nhắn. Sống trong KTX của trường, mỗi tối đến 10 giờ, Nhân và các bạn đều phải nộp lại điện thoại, máy tính. Việc học tập phải hoàn thành trước giờ giới nghiêm. Và khi cần ra ngoài, mua gì, đi bao lâu thì Nhân đều phải nhắn tin với mẹ để mẹ trao đổi với ban quản lý.
Quan trọng hơn, cậu bé Trọng Nhân bé nhỏ ngày nào đã trở thành một chàng trai 18 tuổi phát triển toàn diện về tầm vóc, trí tuệ, tự tin, tự lập, có trách nhiệm và định hướng tương lai rất rõ ràng.
“Sang Mỹ, con sẽ phấn đấu để có tấm bằng cử nhân loại giỏi trong lĩnh vực mình theo đuổi”, Trọng Nhân nói với mẹ.
Chị Nguyễn Thị Liên, mẹ của Hà Vy thì tự hào khoe cô con gái 18 tuổi đã rất khác về cách nói chuyện, có tầm nhìn rộng mở và thời cuộc hơn rất nhiều. Chị Liên bảo, mỗi lần về nhà, Hà Vy thường mang những niềm vui, những câu chuyện sống động từ trường kể cho mẹ nghe. Mẹ làm giáo viên tiểu học, Hà Vy mang luôn cách học ở trường TH School để góp ý. “Mẹ không được áp đặt học sinh của mẹ. Các bạn ấy dù rất nhỏ nhưng mẹ phải để cho các bạn tự do đưa ra ý kiến. Mẹ phải để các bạn ấy tự làm chứ đừng nhảy vào giúp đỡ. Cái nào khó thật là khó thì cần hỏi các bạn ấy là gặp khó ở đâu để hỗ trợ rồi cho các bạn ấy làm tiếp”, chị Liên thuật lại lời Hà Vy nói với mình.
Chị Nguyễn Thị Liên cùng con gái Hạ Vy cùng thăm lại lớp học nơi con gái chị trải qua những tháng ngày học tập đầy thử thách tại TH school |
Chị Thanh Tâm, mẹ của An Na thì ‘kêu ca’ rằng từ trường về, con nhắc mẹ, nhắc em nhiều quá. Nào là không được vứt rác bừa bãi, sử dụng túi ni lông ít thôi, dùng tiết kiệm và tái sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường… Chị rất tự hào và không hối tiếc đã tin tưởng chọn trường TH School cho con gái theo học.
“Sau 3 năm, con gái chị đã phát triển về mọi mặt, từ nhận thức, tầm nhìn, thái độ sống đến ý thức công dân. Quan trọng nhất là con được khám phá bản thân, có được ước mơ và dũng cảm theo đuổi ước mơ đấy”, chị Thanh Tâm nói. Chị Tâm cho biết, An Na từ nhỏ đã rất có năng khiếu vẽ nhưng bố mẹ không quan tâm nhiều. Đến khi vào trường, hết học kì 1 của năm lớp 10, An Na chia sẻ với bố mẹ về ước mơ làm nhà thiết kế và lên kế hoạch từ đó để thực hiện hóa ước mơ này.
Chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ của Bảo Ngọc thì nói Bảo Ngọc tự tin từ nhỏ và khoe cái được của cậu chàng trong 3 năm học tại TH School là sự chủ động trong tất cả mọi việc, là được sống, học tập trong một môi trường giúp con phát triển toàn diện về sức khỏe, kĩ năng sống và trí tuệ. Khi kể về ước mơ làm kĩ sư và bước đường sau tốt nghiệp cấp 3, Bảo Ngọc nói với bố mẹ rằng: “Con tự lo được, bố mẹ không cần lo lắng hay suy nghĩ gì cả”.
Điều kì lạ là các bà mẹ - phụ huynh học sinh lớp 12 trường TH School đều nói một câu rất giống nhau: Từ học bổng toàn phần của trường THPT Quốc tế đến học bổng từ các trường đại học quốc tế đều “giống như một giấc mơ”. Mà giấc mơ này nếu như các con đang theo học ở những ngôi trường đã đỗ trước kia (đều là trường chuyên lớp chọn - PV) thì các mẹ đều cảm thấy khó mà đạt được vì “Săn học bổng quốc tế như hái sao trên trời ấy” như chị Phi Hoàn mẹ Trọng Nhân nói.
Bên cạnh học tập, học sinh TH School có những hoạt động xã hội cũng hết sức đặc biệt: nhóm 7 học sinh đã lập ra app dạy toán A Level với các clip sinh động giảng toán hoàn toàn bằng tiếng Anh. App này đã đạt 20.000 lượt tải từ khắp nơi trên thế giới. |
Các con - những cô cậu học sinh 18 tuổi - những người đã làm nên giấc mơ ấy khiến các mẹ rất tự hào. Hành trình chinh phục giấc mơ của các con không thể thiếu một ngôi trường tốt, những thầy cô tốt và môi trường giáo dục quốc tế.
“Nếu con học ở ngôi trường cấp 3 cũ mà bây giờ cho con đi du học ngay thì mình chưa yên tâm đâu vì con chưa đủ kĩ năng. Nhưng con học từ TH School rồi đi du học thì mình quá yên tâm vì con tự lo được tất cả, như cách mà con đã tự làm trong suốt ba năm cấp 3 và nộp hồ sơ xin học bổng”, chị Hằng mẹ Bảo Ngọc nói.
“Nếu theo học ở trường chuyên ĐH Vinh, chắc chắn Hà Vy sẽ không đạt được thành tựu như bây giờ. Con sẽ không thể tư duy bằng tiếng Anh và không thể một bước từ trường cấp 3 ra thẳng thế giới mà sẽ mất thời gian nhiều hơn nếu tiếp tục muốn hòa mình vào môi trường đào tạo quốc tế ở bậc đại học”, chị Liên mẹ Hà Vy chia sẻ.
“Sau 3 năm học, các em đã trưởng thành về mọi mặt từ việc tiếp thu kiến thức của nhân loại, cách giao tiếp, đến việc trở thành công dân toàn cầu mang bản sắc Việt Nam, luôn hướng về cội nguồn. Từ TH School, các em bước ra thế giới theo đuổi đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Và tôi tin rằng 30 năm sau, các em sẽ trở thành những nhân tố chủ chốt trong các lĩnh vực các em theo đuổi ở cả Việt Nam và thế giới”. TS Trần Đình Châu - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình và Sách giáo khoa Bộ GD&ĐT; Ủy viên Ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. |