Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang là thách thức lớn đối với nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Với quyết tâm cải thiện môi trường sống cho người dân, nhiều địa phương đang chủ động từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm. TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Nhiều chương trình hấp dẫn tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 Hôm nay (16/10) diễn ra Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII Hà Nội: Thu giữ hàng chục chiếc đồng hồ hàng hiệu tiền tỷ không rõ nguồn gốc

Bắt đầu từ ý thức người dân

Từng là một trong những địa phương ô nghiễm môi trường nghiêm trọng bởi hàng tấn rác thải trong quá trình sản xuất được đốt không đúng quy trình và hàng chục bãi rác thải sinh hoạt không được xử lý triệt để, giờ đây, làng nghề giày da Phú Yên (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) đã thông thoáng hơn nhờ quy trình thu gom riêng chất thải làng nghề với chất thải sinh hoat.

Ông Lê Văn Thắng, chủ cơ sở sản xuất giày da Phú Khang, ở thôn Giẽ Hạ cho biết: Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình ông thải ra 5-7kg da vụn, đế cao su hỏng. Trước kia do không thuê được đơn vị thu gom nên gia đình ông thường để chất thải làng nghề lẫn với rác thải sinh hoạt. Từ khi chính quyền thôn Giẽ Hạ đứng ra ký hợp đồng với một doanh nghiệp về thu gom rác thải, các công nhân cơ sở sản xuất có thêm nhiệm vụ là cho rác thải vào bao tải riêng chờ đem đi vận chuyển.

Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Một cơ sở sản xuất giày da ở xã Phú Yên phân loại chờ công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý (Ảnh Hoàng Văn)

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Việt Chiến cho hay, thực hiện chỉ đạo của huyện Phú Xuyên về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến các hộ làm nghề, UBND xã Phú Yên đã giao cho lãnh đạo các thôn đến từng hộ sản xuất vận động ký cam kết không đổ chất thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, UBND xã liên hệ với doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải công nghiệp về thu gom với mức giá 13,2 triệu đồng/tháng/làng nghề. Đến nay, sau 3 năm triển khai, xã Phú Yên đã áp dụng phân loại chất thải ở 4 làng nghề, với hàng nghìn hộ dân tham gia, tổng khối lượng chất thải thu gom được hơn 400 tấn/năm. Nhờ đó, đường làng, ngõ xóm trong xã đã phong quang, sạch đẹp hơn…

Trong khi đó, tại làng nghề sản xuất túi xách bằng da thôn Thao Ngoại (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên), hằng tuần, UBND xã Sơn Hà giao Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã thu gom, phân loại chất thải rắn, vỏ chai nhựa… bán gây quỹ giúp đỡ các hộ khó khăn. Hiện tại, việc làm này đã tạo thành phong trào có tính lan tỏa, thu hút hơn 100 cơ sở sản xuất túi xách ở thôn Thao Ngoại tham gia, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng đốt chất thải.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Nguyễn Trùng Dương, toàn huyện hiện nay có 43 làng nghề truyền thống. Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, trong những năm qua, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các xã có làng nghề rà soát, hướng dẫn các hộ sản xuất biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, UBND huyện đã nêu đích danh các xã còn để tình trạng người dân đốt chất thải, đổ trộm chất thải ra môi trường. Trên cơ sở đó, huyện yêu cầu các xã khẩn trường hoàn thiện phương án thu gom, phân loại, xử lý và hằng tháng báo cáo tiến độ thực hiện về UBND huyện, quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn…

Tăng cường nhiều giải pháp

Kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trên địa bàn TP hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; Gần 100 làng nghề khác cũng đang trong tình trạng ô nhiễm; Có đến 36% tổng số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, khoảng 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng còn rất thô sơ, chưa đạt quy chuẩn.

Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Cụm công nghiệp làng nghề xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND TP đã ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu mà TP hướng đến là đảm bảo 100% các làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về môi trường. Đến năm 2030, hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các khu, cụm, điểm sản xuất tập trung...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, việc ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề là quyết tâm lớn của Hà Nội nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng các giải pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường.

Với kế hoạch này, TP hướng đến bảo tồn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; Đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.

TP sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề; Thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề. Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất trong làng nghề đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các làng nghề..

Hiện, TP Hà Nội cũng đang tiến hành kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải từ làng nghề. Đây cũng là động thái nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc theo đúng mục tiêu đặt ra, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đang rất "nóng" hiện nay.

Huy Dương
Phiên bản di động