Giám đốc VGQ Cúc Phương: Sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng!

Đại diện cho tập thể được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2024, ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương vui mừng cho biết, từ năm 2019 đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương liên tiếp được tổ chức World Travel Awards (WTA) vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu Châu Á.
Tuyệt tác bướm rừng quốc gia Cúc Phương

Sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng

Xuất hiện khá lặng lẽ tại buổi họp báo công bố giải thưởng Vinh Quang Việt Nam 2024, khá ít người biết rằng ông Nguyễn Văn Chính và cộng sự tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã làm nên những thành tích đáng kinh ngạc trong việc bảo vệ môi trường trong những năm qua.

Ông Chính cho biết, ông rất xúc động và vui mừng khi Ban tổ chức lựa chọn Vườn quốc gia Cúc Phương để vinh danh trong dịp giải thưởng này tròn 20 tuổi.

"Vinh dự này thuộc về lớp lớp cán bộ, viên chức, lao động tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong 60 năm qua", ông Chính nhấn mạnh.

Giám đốc VGQ Cúc Phương: Sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng!
Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương tại buổi họp báo công bố giải thưởng Vinh Quang Việt Nam 2024

Theo chia sẻ của ông Chính, Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, là Vườn quốc gia đầu tiên trong hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.

Với diện tích hơn 22.000ha trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh gồm: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, Vườn Quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây.

Giám đốc VGQ Cúc Phương: Sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng!
Sứ mệnh cao cả của cán bộ, người lao động tại Vườn quốc gia Cúc Phương là bảo vệ rừng

Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương bày tỏ: "Đối với chúng tôi, sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng. Với những nỗ lực không mệt mọi của lực lượng kiểm lâm và sự chung tay của cộng đồng địa phương, đến nay, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng làm rẫy, số vụ vi phạm lâm luật giảm trên 70% so với trước đây, mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng rất nhỏ.

Đặc biệt, không có điểm nóng phá rừng xảy ra trên địa bàn. Đây chính là nền tảng quan trọng để Vườn Quốc gia Cúc Phương bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Hiện nay, với diện tích hơn 22.000ha, Vườn Quốc gia Cúc Phương đang lưu giữ và bảo tồn hơn 2.000 loài thực vật thuộc 117 bộ và hơn 2.000 loài động vật quý hiếm, đặc biệt là Voọc Mông Trắng, Báo Gấm, Gấu Ngựa...".

Từ năm 1985, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn cây thực vật với diện tích 167ha và là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh mục Vườn thực vật Quốc tế.

Hình mẫu giáo dục môi trường

Ông Nguyễn Văn Chính cho biết thêm, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn kết chặt chẽ với bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc đó chính là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Giám đốc VGQ Cúc Phương: Sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng!
5 năm liền (2019-2023), Vườn Quốc gia Cúc Phương được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch Thế giới) bình chọn là "Vườn Quốc gia hàng đầu Châu Á".

Nhờ đó mà trong 5 năm liền (2019-2023), Vườn Quốc gia Cúc Phương được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch Thế giới) bình chọn là "Vườn Quốc gia hàng đầu Châu Á".

Đây cũng là cơ sở quan trọng để Vườn Quốc gia Cúc Phương đưa ra sáng kiến làm du lịch sinh thái với các sản phẩm du lịch độc đáo như: Tour "Về Nhà", "Hành trình hồi sinh", Hội xuân "Thêm xanh cho cánh rừng già", Tour về đêm… Tất cả đều nhất quán với phương châm: "Mỗi khách tham quan là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên!".

Giám đốc VGQ Cúc Phương: Sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng!
Vườn quốc gia Cúc Phương trở thành hình mẫu về giáo dục môi trường

Đáng chú ý, Vườn quốc gia Cúc Phương chú trọng gắn kết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện đời sống của người dân. Khuyến khích cộng đồng dân tộc Mường địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

“Công tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đã được Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện tốt trong nhiều năm qua trên 4 phương diện: Quản trị tốt, Thiết kế và quy hoạch tốt, Quản lý hiệu quả và Bảo tồn thành công. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện 50 chỉ số theo các khuyến nghị của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (UICN) để được công nhận là Danh lục xanh”, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính khẳng định.

Chương trình Vinh Quang Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức trang trọng vào 14h30 ngày Chủ nhật (19.5.2024) tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội - số 1 Tràng Tiền, Hà Nội; phát sóng trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử và Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam.
Vũ Cường
Phiên bản di động