Giải quyết nhà ở cho công nhân đang là vấn đề cấp bách
Chưa “an cư”, khó “lạc nghiệp”
Ngày 6/8, báo Kinh tế & Đô thị đã phối hợp với AAV và AFV tổ chức chuyến khảo sát thực tế đến khu nhà ở của công nhân ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Tiếp đó, các đại biểu cùng trao đổi toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách".
Khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh được xây dựng trên diện tích đất 20ha, với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà. Cụ thể, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê).
Trong đó, nhà CT1(A, B) với 224 phòng phục vụ hộ gia đình với 896 chỗ ở; nhà CT2, CT3 với 224 phòng phục vụ hộ độc thân với 1456 chỗ ở. Hiện khu nhà ở có khoảng 9.000 công nhân đang sinh sống, tỷ lệ lấp đầy khu nhà ở đạt khoảng 80%.
Khu nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Ảnh: Ngọc Tú) |
Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà ở hiện đã xuống cấp không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên. Các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống người lao động chưa được đáp ứng đầy đủ như đồng lương thấp, giá thành lại cao, trường học các cấp còn thiếu, trạm y tế thiếu thuốc men gây khó khăn, hạn chế cho công nhân trong cuộc sống hàng ngày.
Mặc dù có những cơ chế ưu đãi như giá thuê thấp có xét đến đặc thù đối tượng thuê là công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống người lao động chưa được đáp ứng đầy đủ như đồng lương thấp, giá thành lại cao, trường học các cấp còn thiếu, trạm y tế thiếu thuốc men gây khó khăn, hạn chế cho công nhân trong cuộc sống hàng ngày.
Còn các công nhân thuê nhà trọ tại các khu nhà ở do người dân xây dựng ở địa bàn thôn Bầu, xã Kim Chung cho biết, với mức lương hiện tại thì họ phải cố gắng cân đối mới đảm bảo được chi phí thuê nhà, sinh hoạt, nuôi con... Công nhân mong muốn các công ty nơi họ làm có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về tiền thuê nhà, tiền lương để họ có thể đảm bảo đủ trang trải cuộc sống.
Các công nhân phải cố gắng cân đối tiền lương mới đảm bảo được chi phí thuê nhà, sinh hoạt, nuôi con... (Ảnh: Ngọc Tú) |
Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.
Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý tái định cư và Nhà xã hội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tú) |
Ông Dũng nhấn mạnh, mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở cũng như giá cho thuê phù hợp với các đối tượng đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín). Tuy nhiên, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội...
Nhà cho công nhân đang rất thiếu
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Ngọc Tú) |
Tại Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân).
Thực tế hiện nay cho thấy, với mức lương (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...
Theo PGS. TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, nhà ở cho công nhân là vấn đề bà đau đáu nhiều năm nay. Khi là đại biểu Quốc hội, bà từng đề nghị Chính phủ có quỹ làm nhà ở cho công nhân thuê, sau mới tính chuyện bán.
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Ngọc Tú) |
“Bây giờ rất nhiều công nhân làm 6-7 triệu/tháng, nuôi 2 đứa con ở Hà Nội. Làm sao đủ sống? Nhiều công nhân không có ý định bám trụ khu công nghiệp lâu dài, họ có mua nhà không?”, bà An đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh nếu không giải quyết câu chuyện nhà ở cho công nhân, họ không thể yên tâm sản xuất, ngoài ra còn liên quan nhiều vấn đề khác như giáo dục, an ninh trật tự…
“Tôi cho rằng vấn đề nhà ở cho công nhân rất cấp bách hiện nay. Nhưng cần đưa ra chính sách sao cho phù hợp với túi tiền của họ. Đồng thời có chính sách hợp lý thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng tham gia… Cần phân rõ vai, Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì và công nhân lao động làm gì?”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Chia sẻ với những khó khăn mà người lao động trên địa bàn đang gặp phải, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện có trên 4.000 doanh nghiệp với 22.400 công nhân đang đang làm việc và thuê trọ. Trước đây, huyện đã hỗ trợ thuê trọ cho toàn bộ số lao động này. Riêng xã Kim Chung, có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ, khoảng 5.000 lao động thuê trọ.
"Do số lượng chung cư xã hội cho công nhân hạn chế nên hầu hết công nhân chọn thuê trọ ngoài nhà dân, dù phòng ốc chật chội nhưng cũng tiện cho sinh hoạt", bà Tám nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Bùi Thị Tám (Ảnh: Ngọc Tú) |
Bà Tám cho biết, từ nhiều năm nay, huyện cũng quan tâm, đầu tư xây dựng các trường, mầm non, trường tiểu học... để cho con em công nhân có nơi học. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, đảm bảo người dân ở đây có gì thì công nhân lao động ở đây cũng được thụ hưởng những cái đó…
Tại buổi tọa đàm, nhiều công nhân lao động làm việc tại các công ty trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh cũng đã chia sẻ về những khó khăn về chỗ ở cho họ hiện nay. Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, tiền lương không có tích lũy vì thế đa phần công nhân đều mong được về quê. Đây là một trong những lý do khiến nhiều công nhân chỉ muốn thuê nhà chứ không muốn mua nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội...
Nữ công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Ngọc Tú) |
Qua tọa đàm, nhiều công nhân mong muốn các công ty nơi họ làm có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về tiền thuê nhà, tiền lương để họ có thể đảm bảo đủ trang trải cuộc sống; nhà nước nên đầu tư vốn vào xây nhà cho thuê nhiều hơn bán nhà ở xã hội, đồng thời, có chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê...