Giải pháp nào gỡ “nút thắt” hệ thống giao thông vận tải ở Hà Nội?
Chưa phát huy hiệu quả lợi thế Vùng Thủ đô
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013.
Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP Hà Nội.
Một số thành tựu Thủ đô Hà Nội đạt được từ cơ sở hành lang pháp lý mà Luật Thủ đô hiện hành đã tạo ra như: Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; Nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu. Hà Nội đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Tuy nhiên, qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm; Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư…
Giao thông đông đúc trên đường Giảng Võ |
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể để thực hiện được trên thực tế.
Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, các luật ban hành sau có quy định khác về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (Luật Cư trú đã bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 19 Luật Thủ đô).
Việc chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng trong Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức thi hành Luật này.
Đồng thời, Luật Thủ đô giao thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết cho TP Hà Nội (nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND), về thứ bậc hiệu lực pháp lý thấp hơn các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành nên khi các luật, nghị định, thông tư được ban hành có quy định khác, nhiều nội dung đặc thù được giao cho Hà Nội quy định chi tiết đã không thể thực hiện được.
Gỡ khó trong quản lý và phát triển hệ thống GTVT
Luật Thủ đô (sửa đổi) được chuẩn bị với mục tiêu là tháo gỡ những khó khăn, tạo ra hành lang pháp lý giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cho Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là cần thiết.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, có nhiều yêu cầu phát triển chính đối với hệ thống GTVT của Thủ đô như: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai; Phân cấp mạnh hơn cho thành phố trong việc quản lý, bảo trì các tuyến đường quốc lộ, vành đai, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc đô thị nằm trên địa bàn Hà Nội; phân quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô, khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông và chính sách ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)…
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải |
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải đưa ra các nhóm giải pháp để triển khai được các định hướng trên.
Theo đó, trước hết là phải giảm khối lượng giao thông ở khu vực nội thành.
Thứ hai là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trong đô thị, trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, buýt, BRT; Giảm phương tiện cá nhân; thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải.
Trong đó, cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; Luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.
Cùng với đó, thành phố cần tổ chức giao thông hiệu quả trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Hà Nội cần hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, Nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Thủ đô.
Nút giao Trường Chinh |
Cuối cùng, Hà Nội cần tổ chức tốt vận tải hành khách và hàng hóa trong đô thị, quy hoạch và định hình các trung tâm logistic lớn cho Thủ đô để thay thế hệ thống logistic tự phát bằng phương tiện cá nhân đang phổ biến như hiện nay.
“Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô. Đồng thời, việc sửa đổi luật cũng sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục của nội đô...”, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nhận định.