Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đề xuất cho phép tăng mức tiền phạt, cưỡng chế hành chính đặc thù ở Hà Nội

"Cho phép quy định mức phạt tiền cao hơn đối với một số loại vi phạm hành chính xảy ra trên địa bàn Thủ đô hoặc áp dụng những biện pháp cưỡng chế đặc thù phù hợp để xử lý vi phạm", PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất biện pháp để đảm bảo trật tự đô thị, an toàn xã hội.
Giải pháp nào gỡ “nút thắt” hệ thống giao thông vận tải ở Hà Nội? Cần có chính sách, cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hoá Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất nhiều giải pháp “cởi trói” cho ngành Y tế Hà Nội

Đề xuất bổ sung ba lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính

Thực tiễn thi hành Luật Thủ đô và Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua cho thấy, ngoài 3 lĩnh vực: Văn hóa, xây dựng và đất đai thì vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác như: Quảng cáo, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng xảy ra khá phổ biến, tác động rất tiêu cực đến văn minh đô thị, trật tự an toàn xã hội ở đô thị, đặc biệt là đối với Thủ đô Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung vi phạm hành chính trong 4 lĩnh vực: Quảng cáo, phòng cháy chữa cháy và an toàn vệ sinh thực phẩm vào nhóm các vi phạm hành chính mà HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn.

Cụ thể, HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, theo điểm a khoản 1 Điều 36 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

undefined
Trường Liên cấp Hòa Bình Latrobe - Hà Nội là một trong những công trình chưa được nghiệm thu PCCC (theo công bố của UBND quận Hai Bà Trưng về các công trình vi phạm quy định về PCCC tháng 5/2023) - ảnh IT

PGS.TS Nguyễn Văn Quang cho rằn, về phương diện pháp lý, việc bổ sung thêm vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực nêu trên vào nhóm vi phạm hành chính mà Hà Nội có thể quy định mức phạt cao hơn (nhưng không quá hai lần mức tiền phạt tối đa) là có thể thực hiện được.

Mặc dù khoản 1, khoản 3 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định thẩm quyền của HĐND TP trực thuộc Trung ương trong việc quy định mức phạt tiền cao hơn đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy và an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng Luật Thủ đô (sửa đổi) hoàn toàn có thể đưa ra quy định đặc thù áp dụng cho Thủ đô.

Điều này tương tự như các vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng không thuộc loại vi phạm hành chính mà Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định HĐND TP trực thuộc Trung ương có thể quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng Luật Thủ đô đã quy định những lại vi phạm hành chính này có thể bị áp dụng mức phạt tiền cao hơn theo quy định của HĐND TP Hà Nội.

undefined
Lực lượng chức năng quận Tây Hồ tháo dỡ biển hiệu ở một ở một quán ăn xây dựng trên đất dự án

Về mặt thực tiễn, lẽ dĩ nhiên để bổ sung vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực nêu trên có thể bị áp dụng mức phạt tiền cao hơn, cần phải có những đánh giá đầy đủ sự cần thiết của việc quy định như vậy trong việc răn đe, phòng ngừa chung, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Băn khoăn quy định ngừng cấp điện, nước với công trình vi phạm

Ngoài việc bổ sung 3 loại vi phạm hành chính mà HĐND TP Hà Nội có quyền quy định mức phạt cao hơn, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn đưa ra phương án trao cho Chủ tịch UBND các cấp ở TP Hà Nội (chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) được áp dụng “biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô” (phương án 1, điểm b khoản 2 Điều 36 dự thảo luật).

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không nên trao thẩm quyền áp dụng biện pháp cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quang, lý do không nên “trao quyền” như vậy vì các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính (bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính) là các biện pháp cưỡng chế hành chính, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân bị áp dụng.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính phải được quy định chung trong văn bản luật chuyên ngành là Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, theo quy định của Điều 119, Luật Xử lí vi phạm hành chính, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

1. Tạm giữ người;

2. Áp giải người vi phạm;

3. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

4. Khám người;

5. Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

6. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

7. Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

8. Giao cho gia đình, tổ chức quản lí người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lí hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lí hành chính;

9. Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn”.

Theo quy định nêu trên, biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước không nằm trong danh mục các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Thực tế, trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có rất nhiều ý kiến tranh luận đối với đề xuất đưa biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với tính chất là biện pháp ngăn chặn, bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cho phép tăng mức tiền phạt, cưỡng chế hành chính đặc thù ở Hà Nội
Một trường hợp sử dụng đất dự án vào mục đích kinh doanh bia trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quang, dù cũng có quan điểm đồng tình với việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trở thành biện pháp ngăn chặn, bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng đa số ý kiến cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức và việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ này có thể ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức khác không vi phạm hành chính.

Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này can thiệp sâu đến quan hệ dân sự giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước và bên sử dụng dịch vụ. Do đó không nên áp dụng biện pháp này trong xử lý vi pháp hành chính.

Vì vậy, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội đã quyết định không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước vào quy định của văn bản Luật này.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Văn Quang cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không nên quy định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô.

Hoa Thành
Phiên bản di động