Giá thịt lợn ở Hà Nội leo thang

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trong nửa đầu tháng 11/2019, giá các mặt hàng lương thực, thịt gia bò, thịt gia cầm tương đối ổn định. Trong khi đó, giá thịt lợn lại tăng mạnh.
Cấm găm hàng, tăng giá thịt lợn dịp cuối năm Nguy cơ Tết thiếu thịt lợn Sau một năm, thịt lợn đã trở thành món ăn xa xỉ với dân nghèo Trung Quốc

Theo Sở Công thương Hà Nội, giá lợn hơi xuất chuồng trong nửa đầu tháng 11/2019 tiếp tục đà tăng nhanh. Cụ thể, ngày 13/11, giá lợn hơi trên địa bàn phổ biến ở mức từ 67.000 - 75.000 đ/kg, tăng 7.000 - 12.000 đ/kg so với cuối tháng 10/2019, giá lợn hơi tại một số trang trại chăn nuôi như CP, Dabaco... ở mức 67.000 - 68.000 đ/kg.

Nguyên nhân giá lợn tăng là do có hiện tượng găm hàng của các hộ chăn nuôi, nuôi lợn đến 170 - 180 kg/con thay vì 90 - 110kg/con như thông thường để chờ tăng giá, do đó đã tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung do người chăn nuôi không bán thịt lợn ra thị trường.

gia thit lon o ha noi leo thang
Nhiều tiểu thương đánh giá những ngày gần đây, giá thịt lợn đang tăng nhanh chưa từng có

Một số cơ sở giết mổ thu gom về bán cho thương lái Trung Quốc (giá cả hàng ngày tăng theo giá của thương lái Trung Quốc), thương lái thu mua xong vận chuyển lên biên giới thuê giết mổ thủ công và vận chuyển lợn theo đường lối mòn, lối mờ sang Trung Quốc (xe máy, xe lam...).

Tình hình này dẫn đến giá thịt lợn tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ và tại một số siêu thị tại Hà Nội tăng mạnh so với cuối tháng 10/2019 do giá lợn hơi tăng. Giá bán lẻ thịt lợn tại chợ ở mức 120.000 - 140.000 đ/kg tăng 10.000 - 20.000 đ/kg.

Cụ thể, giá các loại thịt ba chỉ, chân giò, thịt mông, vai ở mức 130.000-140.000 đ/kg; giá thịt nạc thăn, sườn tăng lên 150.000 đ/kg. Tại các siêu thị ở mức từ 110.000 - 165.000 đ/kg tăng 10.000 - 20.000 đ/kg (tùy từng loại đã được pha lọc, cắt gọt, đóng khay). Tại một số siêu thị, giá một số chủng loại thịt bò, thịt gà khá ổn định.

Khảo sát thực tế tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một số tiểu thương cho biết, thịt lợn năm nay tương đối cao so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn nhiều, người dân thường có thói quen sử dụng thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày.

Theo một tiểu thương, thậm chí nếu muốn lấy thịt lợn đùi mông, chân giò, nạc vai phải hẹn trước mới còn hàng… giá khoảng 120.000đ/kg. Tương tự, tại chợ La Cả, phường Dương Nội, Hà Đông các tiểu thương cho biết giá lợn tăng cao, dao động từ 80.000 - 120.000đ/kg.

Trước đó, ngày 21/11, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 5234/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo đó, để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công thương Hà Nội chủ trì triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn theo Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 10/6/2019 của UBND Thành phố, tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và đơn vị sản xuất, cung ứng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác nguồn hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công thương theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn trong thời gian qua để chủ động và kịp thời báo cáo UBND Thành phố có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến.

Đồng thời, Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi để nắm bắt nguồn cung ứng mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác, từ đó, chủ động có phương án nguồn cung, ổn định thị trường mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội cũng được giao chủ trì, tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Canh Tý năm 2020 phục vụ nhân dân, người lao động tại các vùng ngoại thành, vùng miền núi và các Khu công nghiệp.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tổ chức tốt công tác dự trữ, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường để ổn định giá bán, không xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý. Xây dựng kế hoạch và phối hợp các ngành liên quan triển khai kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm; tập trung kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giết mổ các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, các cửa hàng thương mại, cửa hàng ăn uống tại các tuyến phố, các chợ, các cửa hàng kinh doanh trái cây...

Lê Tâm
Phiên bản di động