Gen Z nghĩ gì về trào lưu “sống thử” trước hôn nhân?
Giáo viên GenZ cùng những câu chuyện nghề Xu hướng tiêu dùng của Gen Z thúc đẩy sản xuất bền vững GENZ chia sẻ về bí quyết thi IELTS đạt kết quả cao |
Hiện nay, không khó để thấy những đôi nam nữ chọn về sống chung với nhau như vợ chồng dù không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu cảm thấy phù hợp, họ sẽ tiến tới hôn nhân chính thức. Nếu không phù hợp, họ sẽ lựa chọn chia tay, không cần đến pháp luật phải can thiệp phức tạp giống như khi họ đã thành vợ chồng chính thức.
Tìm hiểu lối sống để hoà hợp lâu dài
“Mình cảm thấy việc sống thử trước hôn nhân không có vấn đề gì cả. Đó lại là một điều hay. Hai người yêu nhau sống chung để tìm hiểu xem cả hai có hợp nhau về lối sống và văn hoá hay không. Vì nếu không hợp, sau này có cưới nhau thì hôn nhân sẽ gặp nhiều lục đục. Nếu họ sống thử trước hôn nhân để tìm ra những điều không hợp nhau, qua đó sửa đổi và cải thiện thì khi chính thức là vợ chồng, họ sẽ ít cãi nhau hơn”. - Hoàng Phương Anh (2000), hiện đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội.
Nhiều cặp đôi lựa chọn sống thử trước hôn nhân để tìm hiểu về lối sống của nhau (Ảnh minh hoạ) |
Phương Anh chia sẻ, cô nàng và người yêu đang cùng chung sống với nhau ở chung cư đã được 2 năm. Bạn trai quê ở Nam Định nhưng làm việc tại Hà Nội, cả hai đã thuê một căn chung cư ở gần cơ quan làm việc. Bạn trai chủ động muốn Phương Anh cùng chung sống với nhau để cả hai có nhiều thời gian bên nhau hơn.
Sống thử cho phép các cặp đôi cùng nhau phân bổ trách nhiệm như việc nhà, tài chính,... Qua đó, khi tiến tới hôn nhân, họ sẽ biết cách cân bằng với nhau hơn. Hoàng Long và Thảo My yêu nhau từ năm thứ nhất đại học. Đến nay, hai bạn là sinh viên năm cuối, khoảng thời gian gắn bó đã được gần 4 năm. Gặp nhau tại Hà Nội khi họ học chung trường Đại học Bách Khoa. Cả hai “phải lòng” nhau nên quyết định về ở trọ chung, cùng chia sẻ tiền thuê phòng và chia nhau tiền ăn uống, sinh hoạt phí.
“Chúng mình chọn chia tiền sinh hoạt chung vì muốn cả hai đều cảm thấy thoải mái khi ở cùng nhau. Trường hợp xấu nhất nếu chia tay thì cả hai sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn vướng bận chuyện tiền nong nữa". - Thảo My chia sẻ.
Long và My ngoài việc học, hai bạn đều đi làm thêm công việc khác nhau. Cả ngày chỉ gặp nhau buổi tối nên cặp đôi phân bổ thời gian làm việc nhà cùng nhau. Long về sớm hơn nên bạn sẽ trổ tài nấu ăn cho bạn gái. Còn rửa bát và giặt quần áo sẽ do My đảm nhận. “Như thế cả hai sẽ đều cảm thấy vui vẻ. Trong suốt quãng thời gian sống chung, có không ít lần hai đứa cãi nhau. Lúc đó ai cũng đều cần không gian riêng nên bọn mình sẽ để một người ở nhà. Người còn lại sẽ đi ra ngoài để bình tĩnh lại. Thường mình sẽ để My ở nhà, còn mình sẽ đi đâu đó cho thoải mái.” - Long nói.
Cẩn thận hậu quả phía sau
Sống thử trước hôn nhân không còn là khái niệm quá mới, nhưng đằng sau những lợi ích như hiểu rõ đời sống của nhau, biết học cách san sẻ,... vẫn còn tồn tại nhiều hậu quả khó tránh. Khi các cặp đôi sống thử cùng nhau, rất nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn đã xảy ra. Ngoài ra, do chưa đủ kinh nghiệm, hiểu biết, bản lĩnh, nhiều hành động ngoài ý muốn, thiếu suy nghĩ đáng tiếc đã diễn ra.
Đặng Khánh Vân, sinh năm 2001, chủ kênh MÂY Podcast với hơn 2 triệu lượt nghe chia sẻ về quan điểm về sống thử: “Mình nghĩ việc sống thử không sai và cũng không thể cấm các bạn trẻ được. Nhưng các bạn cần có đủ kiến thức về tình dục cũng như biết cách bảo vệ chính bản thân và sức khỏe của mình.”
Tập podcast “Tình yêu nên đi kèm tự do" được những người trẻ ủng hộ (Ảnh chụp màn hình) |
Đối với Vân, sống thử đôi khi gây ra gò bó, áp lực và căng thẳng đối với nhiều cặp đôi vì luôn phải gặp nhau hàng ngày. Chính vì vậy, việc dành cho nhau sự tự do, khoảng thời gian riêng rất quan trọng. Cặp đôi cần tôn trọng cuộc sống cá nhân của nhau. Trên thực tế xảy ra không ít trường hợp nam nữ sống chung cùng nhau, rồi xuất hiện những xung đột, mâu thuẫn không thể giải quyết êm đẹp dẫn đến xô xát. Để thể hiện ra quan điểm của mình, Vân đã cho ra mắt tập: “Tình yêu nên đi kèm tự do" để giúp các cặp đôi luôn cho nhau không gian riêng để giúp tình yêu bền vững.
Bất kì một vấn đề nào của xã hội đều có hai mặt tốt, xấu, sống thử cũng vậy. Việc người trẻ lựa chọn có nên sống thử hay không là tùy thuộc vào hoàn cảnh và quan điểm của mỗi người. Nếu bạn quyết định sống thử, bạn cần xác định, lường trước được hệ lụy mà nó đem lại cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình.