Đường mở đến đâu chợ tự phát mọc theo đến đó: Hiểm họa khôn lường
Ngay ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, mặc dù ngôi chợ nằm trên đường Bùi Quang Trinh xây lớn và đẹp nhưng vẫn có rất nhiều tiểu thương tự mang hàng hóa ra ngoài đường bán. Đặc biệt vào ngày cuối tuần, việc mang hàng hóa từ trong chợ ra ngoài đường bán càng nhiều hơn, đơn giản bởi thuận tiện cho người mua, đỡ phải vào bên trong chợ.
Cũng tại Cần Thơ, trên Quốc lộ 91B đoạn đi qua Chợ Bà Bộ khu vực quận Bình Thủy, lúc nào cũng đông đúc người mua bán. Để xử lý người mua bán lấn chiếm lòng lề đường, các ngành chức năng địa phương thường xuyên ra quân lập lại trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đi khỏi, đâu lại vào đấy.
| |
Người tham gia giao thông rất khó khăn mỗi khi đi qua chợ tự phát ở Cần Thơ. |
Quốc lộ 1A đoạn đi qua khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thường xuyên xuất hiện những chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường ngay sát quốc lộ. Nguyên nhân là do khu vực này có nhiều công nhân đang làm việc tại các công ty xí nghiệp trong khu công nghiệp. Sau khi tan ca, công nhân ra chợ tự phát mua sắm làm cho các chợ lấn chiếm lòng lề đường phát triển. Trong khi đó, lượng xe lưu thông đông, nhất là xe tải, xe container, xe khách chạy với tốc độ cao. Vì sự tiện lợi, vì mưu sinh mà cả người bán lẫn người mua bất chấp nguy hiểm, không chỉ tạo hình ảnh nhếch nhác mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông lẫn an ninh trật tự.
Trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn đi qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có rất nhiều điểm họp chợ bên đường. Nhiều người dân còn vô tư bày bán hàng hóa lấn chiếm cả lòng lề đường. Những chợ này tấp nập người mua, người bán, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao, như chợ thuộc địa bàn xã Thạnh Quới, khu vực phía trước Công ty thủy sản Khánh Sủng thuộc xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên); chợ thuộc địa bàn xã Đại Hải, huyện Kế Sách… Không những vậy, trên các tuyến đường về vùng nông thôn, nhiều chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường xuất hiện ngày càng nhiều.
Thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong mua bán, trao đổi hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường. Tình trạng này dù đã cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn phức tạp. Ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền đến người dân, chấp hành các quy định, không chiếm lòng lề đường, để hướng tới đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông:
"Chúng tôi đã thực hiện giải tỏa nhiều lần và sắp xếp chỗ cho người bán tự phát, nhưng giải quyết hết vấn đề này là rất khó khăn. Do bà con tự phát nên chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con thứ nhất là vệ sinh môi trường, thứ hai là phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông", ông Tâm nói.
| |
Một chợ tự phát trên quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng. |
| |
Đường Bùi Quang Trinh thành phố Cần Thơ, người bán lấn chiếm lòng đường. |
Tại tỉnh Tiền Giang là cửa ngõ miền Tây có nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu như: Quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 30 kết nối từ thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương vùng ĐBSCL. Trong đó, trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 và đường dẫn vào đường cao tốc Trung Lương - TP HCM hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông rất báo động. Cá biệt như quán cơm Minh Tâm, tại đường dẫn cao tốc Trung Lương - TP HCM, ngày nào cũng có phương tiện đậu đỗ lấn chiếm lòng lề đường...
Từ nhiều năm qua, các ngành chức năng trong khu vực ĐBSCL thường xuyên ra quân lập lại trật tự tại khu vực chợ tự phát, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường để mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng này. Từ vụ tài xế xe tải mất lái gây tai nạn cho những người đang họp chợ trên lòng lề đường tại xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông làm 5 người chết và nhiều người bị thương là tiếng chuông cảnh báo cho việc mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng đối với người dân mua bán ở các khu chợ tự phát ven các tuyến lộ.