Đừng để "ngày vui ngắn chẳng tày gang”... trong mùa lễ hội
Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức "Lễ hội thu hoạch cà rốt" Nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc 2022” Bắc Giang: Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm |
Thỏa nỗi ước mong
Lễ chùa, bái Phật là nét đẹp văn hóa tâm linh ngàn đời của dân tộc ta. Điều này không chỉ gửi gắm khát vọng một năm mới mở ra nhiều điều tốt đẹp mà còn giúp lòng người hướng thiện, hưởng giáo lý của Phật pháp mà từ bi hỉ xả, làm nhiều việc tốt đẹp cho cuộc đời.
Chùa Hương mở cửa đón khách trở lại, Ban quản lý sẽ tiếp tục bố trí các trạm kiểm soát đầy đủ và đặt ra những quy định đối với du khách. Khi đến tham quan tại khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, du khách phải quét mã QR ở các điểm khai báo y tế.
Ngoài ra, bến đò cũng hạn chế số khách, các nhà đò cũng không được chở quá số khách quy định. Tại các điểm tương tự cũng hạn chế các đoàn khách tới và du khách không được ở lại quá lâu tại một điểm.
Người dân vui mừng khi danh thắng Hương Sơn mở cửa trở lại (Ảnh minh họa) |
Điều này đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, thỏa nỗi mong chờ của bao người. Bởi lẽ, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài và nổi tiếng nhất cả nước. Không chỉ khách thập phương mà cả người Việt ở nước ngoài về cũng đều mong muốn được đặt chân tới nơi đây.
"Ai đi trẩy hội Chùa Hương
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi dùm
Mớ rau sắng, quả mơ non
Mơ chua sắng ngọt biết còn thương chăng"?
Câu ca dao xưa hay câu hát:
"Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy mẹ em vấn đầu soi gương
Khăn nhỏ cái đuôi gà cao
Em đeo cái dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao
Chân em đi đôi guốc cao cao"…
Cùng các địa danh Bến Đục, Yến Vỹ… đã đi vào tâm thức bao người. Bên cạnh đó, thơ ca nhạc họa cùng giai thoại về “Muốn ăn rau sắng chùa Hương / Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa” cũng càng khiến thắng cảnh Hương Sơn trở nên nổi tiếng.
Đi chùa Hương gần như là một khởi đầu tâm linh tốt đẹp cho cả năm đối với rất nhiều gia đình từ nhiều năm nay. Trong khi đó, việc mở cửa để hoạt động du lịch, lễ bái tại chùa Hương hoạt động trở lại cho thấy UBND thành phố Hà Nội đã đáp ứng mong mỏi của người dân, đồng thời đây cũng là sự thích ứng linh hoạt trong từng thời kỳ, làm sao để đảm bảo chống dịch đồng thời cũng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, cho hoạt động du lịch khôi phục để phục hồi kinh tế.
Điều này cũng cho thấy dịch bệnh phần nào đã được kiểm soát tốt và chúng ta ngày càng có thể hi vọng vào ngày mai tươi sáng đang đến gần.
Lúc cần ý thức người dân phát huy hơn bao giờ hết
Nói như nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Sướng: “Bây giờ là tháng Giêng - mùa của cúng bái, cầu xin, mùa của dâng sao, giải hạn. Vào cữ này hàng năm, đến chùa nào cũng thấy cảnh khói hương nghi ngút, nườm nượp dòng người chen lấn, khấn vái.
Sự đông đúc, chen lấn tại chùa Hương những năm trước nếu tiếp tục xảy ra sẽ rất nguy hiểm, phản cảm và dễ lây lan dịch bệnh |
Mặt ai cũng thấy căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Thật khó tìm được chút thanh tịnh chốn thiền môn. Hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thực hiện chỉ thị của Chính phủ, hầu hết các đình, chùa ở những thành phố lớn đều đóng cửa. Nhiều người không đến được cửa Phật để lễ bái. Nỗi sợ hãi, căng thẳng, lo âu vì thế có thể lại càng tăng. Những người sao xấu chiếu mệnh có thể lo lắng đến mất ăn mất ngủ”.
Chính vì thế, anh đưa ra lời khuyên: “Ai cũng nên có một vị Phật vững chãi trong Tâm để quay trở về "hải đảo tự thân", nương tựa vào chính mình, để không phải hớt hải, hoang mang, chen lấn, xô đẩy, giao tính mạng mình, tương lai của mình vào một thế giới huyền bí, xa xăm vô thực nào đó.
Nếu tất cả mọi người tâm luôn an, thế giới sẽ an”.
Điều đó cũng là rất cần trong lúc dịch bệnh vẫn còn đe dọa đến nhiều mặt của xã hội. Cần giữ cho tâm mình an yên, tĩnh tại thì mới nhìn mọi thứ thấu đáo, quyết định những việc làm đúng đắn, tránh xảy ra sai lầm, tránh mắc vào hệ lụy. Có như thế mới tránh được những khổ đau, rắc rối.
Trở lại việc Hà Nội cho phép chùa Hương mở cửa đón khách từ 16/2, người dân vẫn có thể vừa đi bái Phật để thể hiện nét đẹp văn hóa, nét đẹp tâm linh truyền thống của người Việt. Dù vậy, khả năng người dân đổ về đây đông đảo là rất cao.
Điều này là tín hiệu vui cho việc phục hồi du lịch, giải tỏa tâm lý cho người dân, mang lại lợi ích kinh tế nhưng đồng thời cũng sẽ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây lan bệnh dịch. Mặc dù UBND huyện Mỹ Đức, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã có những phương án chuẩn bị kĩ càng để đón lượng khách đổ về nhưng điều quan trọng nhất là ý thức của người dân phải nâng cao hơn bao giờ hết.
Bởi lẽ, sau chùa Hương có thể sẽ còn là những lễ hội khác. Điều này là lẽ tự nhiên để hoạt động bình thường dần dần trở lại. Chính quyền nới lỏng các hoạt động lễ hội vì người dân thì người dân lại càng phải ý thức, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Điều này vừa để bảo vệ sức khỏe chính bản thân, gia đình mà còn để cuộc sống bình yên thực sự quay trở lại.
Bây giờ là lúc nhịp sống sôi động xưa kia có trở lại bền vững hay không phụ thuộc vào chính ý thức, hành động của mỗi người chúng ta. Ai cũng mong được lễ bái đầu năm vì yếu tố tâm linh, ai cũng muốn du xuân để tận hưởng vẻ đẹp của đất trời, sự thảnh thơi của đầu năm mới, ai cũng muốn được đi đó đây, được làm việc, được vui chơi để xua đi những tàn dư, ám ảnh của đại dịch.
Đó là nhu cầu chính đáng. Song, chớ để “ngày vui ngắn chả tày gang” bởi sự buông thả, thiếu ý thức, không cẩn thận hay lơ là các quy định phòng chống dịch. Lễ hội cũng như điểm biểu diễn nghệ thuật, rạp chiếu phim và còn nhiều hoạt động khác nữa có kéo dài, có trở lại bình thường được như xưa hay không phụ thuộc vào việc chính chúng ta làm gì, ứng xử với việc mở cửa này như thế nào.