Dừng đánh phết Hiền Quan: Cục Văn hóa cơ sở nói gì?
Lễ hội Phết ở Hiền Quan.
Quyết định dừng phần đánh phết trong Lễ hội cướp phết Hiền Quan của UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) gặp không ít ý kiến trái chiều, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (Bộ VHTT&DL) đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Bà Ninh Thị Thu Hương cho biết, ngay sau khi kết thúc lễ hội năm 2018 Bộ đã có văn bản đề nghị Hiền Quan phải có đề án đổi mới về cách thức tổ chức.
Hiền Quan cũng có những đề án đổi mới như: Hạn chế số lượng người cướp phết; đưa ra các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho những người đến dự cướp phết; đưa ra những nguyên tắc, chỉ đạo cũng như các thông điệp để người tham gia lễ hội mà không thuộc những thành phần được cấp phép thì không xuống sân cướp phết.
Đồng thời, cũng tăng cường lực lượng an ninh, trật tự của xã, huyện để hoạt động cướp phết được diễn ra an toàn nhất trong mùa lễ hội 2019.
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương
Không ai mong muốn lễ hội có hành vi mang tính chất phản cảm
PV: Năm nay, cảnh thanh niên xé rào lao vào giẫm đạp cướp phết gây hỗn loạn, theo bà vấn đề nằm ở đề án này chưa bám sát thực tế hay an ninh trật tự chưa đảm bảo?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Về cơ bản, đề án có bám sát thực tế bởi vì rút kinh nghiệm từ các năm, họ đã biết rằng phải có một khu vực riêng thì họ đã đưa ra khu vực riêng.
Họ cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, thì cũng đã có sự quyết liệt vào cuộc từ các cấp: tỉnh, huyện, xã. Về việc tăng cường lực lượng an ninh và hạn chế số lượng phết, người tham gia cướp phết cũng đã bám sát thực tế.
Tuy nhiên, ở lễ hội cướp phết Hiền Quan không chỉ người dân Hiền Quan mà còn rất nhiều người vùng miền khác đến đây để cướp phết.
Như vậy, họ tham gia cướp phết theo xu hướng, trào lưu. Người ta cho rằng, được sờ vào quả phết đó là may mắn trong cả năm. Vì vậy, họ không tham gia cướp phết theo tính chất truyền thống mà theo trào lưu.
Vì vậy, nếu để quá nhiều người ào xuống một cái sân cướp phết như hiện nay thì cho dù có tăng cường lực lượng an ninh đến bao nhiêu cũng khó đảm bảo. Ví dụ, đề án tăng cường lực lượng của các huyện thì cũng không đảm bảo được việc người dân ào xuống trong một thời điểm rất ngắn trong cướp phết.
Tôi cho rằng, chúng ta phải tiếp tục làm sao đó để đưa ra một biện pháp trật tự an ninh, phải có giải pháp mang tính chất đồng bộ hơn nữa trong việc này.
Trai làng phá rào lao vào cướp phết chiều 16/2
PV: Khi lễ hội diễn ra được 1 ngày thì huyện ra văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng phần đánh phết. Bà cho rằng cách làm như vậy có phù hợp?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Lễ hội cướp phết Hiền Quan đã gắn với tiềm thức lâu đời của những người dân sống ở vùng này.
Phần nghi lễ thì hiện nay các cụ vẫn làm rất nghiêm túc, chỉn chu, vẫn đưa lại giá trị về mặt văn hóa rất lớn trong người dân ở đây. Một phần không tách rời của lễ hội đó là việc cướp phết.
Tuy nhiên, khi các giá trị văn hóa được thay đổi theo thời gian, nó không chỉ là những người trong làng này, nó không còn ở giá trị làng xã như trước nữa mà có yếu tố mở rộng, có nguy cơ gây mất trật tự an ninh thì rõ ràng vẫn cần phải có biện pháp hành chính để nhằm ngăn chặn.
PV: Biện pháp ngăn chặn ở đây là gì, thưa bà?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Ngăn chặn ở đây không phải ngăn chặn để nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước mà ngăn chặn để đảm bảo trật tự cho người dân ở vùng miền đó. Bởi vì không ai mong muốn để một lễ hội có hành vi mang tính chất phản cảm, có việc đánh nhau, tranh cướp, ẩu đả.
Một biện pháp quản lý như vậy không phải là yêu cầu để đưa đến một cái giải pháp nhằm cấm hoàn toàn hoặc không cho tổ chức lễ hội nữa mà chỉ là biện pháp tạm thời để cùng với người dân, cùng với chính quyền địa phương tìm ra một giải pháp tiếp theo...
Người dân Hiền Quan cho rằng, cướp phết thể hiện tinh thần thượng võ
Dừng đánh phết hoặc tạm dừng: Đã phân cấp cho địa phương
PV: Cục sẽ tham mưu như thế nào cho Bộ trong việc dừng đánh phết hoặc tạm dừng để tìm giải pháp cụ thể?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Theo điều 15 Nghị định 110 của Chính phủ đã giao thẩm quyền quyết định tổ chức lễ hội hay tạm dừng lễ hội hay tiếp tục các biện pháp với quản lý ở địa phương cho chính quyền các cấp.
Với vai trò quản lý nhà nước của Bộ hay của tỉnh, thì chúng tôi thực hiện việc quản lý nhà nước mang tính chất chung, đưa ra các biện pháp, chính sách, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Còn việc thông báo hay tổ chức lễ hội phụ thuộc vào quy mô và tần suất của lễ hội.
Một lễ hội đã được địa phương cho phép làm nhưng trong quá trình làm nó sai về quy chế, sai về thể lệ, không đảm bảo trật tự thì cấp chính quyền địa phương đó có quyền cho tạm dừng.
Chúng tôi sẽ có chỉ đạo phối hợp với Sở, phòng Văn hóa, chính quyền địa phương để đưa ra những biện pháp tiếp theo.
Có thể chúng ta sẽ phải có những cuộc hội thảo mang tính chất chuyên đề để đưa ra những giải pháp mới hơn.