Đức sẽ "chia tay" năng lượng than đá và hạt nhân
Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối dự hội nghị G7 ở Washington Bài học về sự lơ là dẫn tới bùng phát ổ dịch COVID-19 mới ở Hàn Quốc, Đức |
Nhà máy nhiệt điện than đá Uniper Datteln 4 tại Datteln (Đức). Ảnh: AP |
Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze nói: “Đức là quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên từ bỏ cả năng lượng than đá và năng lượng hạt nhân”.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết điều này nằm trong nỗ lực “chuyển tiếp năng lượng” của Đức để xa rời năng lượng hoá thạch và hướng tới mục tiêu mọi năng lượng sản xuất tại quốc gia này sẽ khai thác từ nguồn có thể tái tạo. Việc đạt được mục tiêu này đối với Đức còn khó khăn hơn so với Pháp và Anh bởi Berlin cam kết đến cuối năm 2022 loại bỏ cả các nhà máy năng lượng hạt nhân.
Đức đã đóng cửa mỏ than đá cuối cùng của nước này trong năm 2018 nhưng vẫn nhập khẩu hoặc khai thác từ nguồn dự trữ than nâu có rất nhiều ở khu vực phía Đông và Tây nước này. Đức đã lên kế hoạch để biến những mỏ than nâu rộng lớn thành khu bảo tồn thiên nhiên hoặc khu nghỉ dưỡng ven hồ.
Bộ trưởng Môi trường Đức cho biết chính phủ nước này vẫn sẽ cân nhắc liệu có thể đẩy sớm thời gian cho các nhà máy năng lượng than đá “về hưu”.
Bà Svenja Schulze nhấn mạnh rằng đến cuối năm 2022, 8 nhà máy năng lượng than đá ô nhiễm nhất của Đức sẽ bị đóng cửa.
Trong tháng 7 này, các công ty tại Tây Ban Nha đóng cửa 7 trong số 15 nhà máy năng lượng than đá tại nước này. Lý do được đưa ra là các cơ sở này không thể sản sinh lợi nhuận nếu thiếu trợ cấp của chính phủ.
Chủ tịch Công đoàn, Mỏ, Hoá chất, Năng lượng Đức – ông Michael Vassiliadis đã ủng hộ quyết định của chính phủ. Ông Michael Vassiliadis còn khuyến khích chính phủ tập trung mở rộng thế hệ năng lượng tái tạo và sử dụng hydrogen thay thế khí gas tự nhiên.
Theo Viện Fraunhofer, 55,7% điện sản xuất từ đầu năm đến nay tại Đức cho mục đích sử dụng công cộng bắt nguồn từ năng lượng tái tạo. Năng lượng than đá chiếm khoảng 20%, sau đó là năng lượng hạt nhân và năng lượng khí gas đều ở mức 12%.