Bài học về sự lơ là dẫn tới bùng phát ổ dịch COVID-19 mới ở Hàn Quốc, Đức
Khách xếp hàng dài trước một quán bar tại quận Gangnam, Soeul (Hàn Quốc) ngày 9/5. Ảnh: Yonhap
Những ổ dịch mới và nỗi sợ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai càng khắc họa đậm nét mối nguy hiểm mà giới chức các nước phải đối mặt khi đang mò mẫm mở cửa nền kinh tế sau thời gian phong tỏa.
Đức và Hàn Quốc là hai quốc gia được ca ngợi như tấm gương điển hình trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh COVID-19 khi số lượng ca tử vong tại đây có tỷ lệ tương đối thấp so với số ca mắc bệnh.
Ngay từ đầu, hai nước đã triển khai việc xét nghiệm quy mô lớn và hệ thống theo dõi tiếp xúc với người dương tính virus SARS-CoV-2. Sau khi được cho là vượt qua đỉnh dịch, hai nước tuyên bố dần nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Tuy nhiên mới đây, sự xuất hiện loạt ca lây nhiễm mới đã khiến giới chức hai nước này đau đầu khi phải cân bằng giữa việc cứu mạng sống với giữ việc làm cho người dân.
Ngày 9/5, Hàn Quốc ghi nhận hàng chục ca nhiễm có liên quan tới một thanh niên 29 tuổi đã đi đến 3 câu lạc bộ đêm trước khi được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Hậu quả là hơn 2.100 quán bar và hộp đêm tại Hàn Quốc phải đóng cửa, trong khi các nhân viên y tế phải truy tìm ít nhất 1.940 người đến 3 câu lạc bộ trên và các tụ điểm xung quanh.
Thị trưởng Seoul ông Park Won-soon cho biết những nỗ lực chống COVID-19 từ trước đến nay đang bị đe dọa bởi “sự cẩu thả, chủ quan của một số người”.
Người dân tham gia biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Stuttgart, Đức ngày 9/5. Ảnh: AP
Trong khi đó, tại Đức, giới chức y tế nước này lại đối mặt với sự bùng phạt dịch tại 3 lò giết mổ. Đây được coi là phép thử cho chiến lược của Chính phủ Đức trong việc đối phó với sự tái sinh của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Tại một lò giết mổ ở Coesfield, 180 công nhân đã được chẩn đoán dương tính với COVID-19.
Liên đoàn NGG Đức, đại diện cho công nhân ngành thực phẩm, cho biết dịch bùng phát là hậu quả của một “hệ thống thiếu trách nhiệm”. Ông Freddy Adjan – một quan chức cấp cao trong liên đoàn – tiết lộ trong hàng chục năm nay, ngành thịt phụ thuộc vào các “đầu mối mập mờ” để thuê nhân công.