Đưa tiếng Hàn, Đức vào chương trình giáo dục phổ thông thí điểm
135 sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn xuất sắc nhận học bổng |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn tiếng Đức và môn tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12.
Chương trình giáo dục phổ phông môn tiếng Đức và tiếng Hàn sẽ có tổng thời lượng là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) bao gồm cả các tiết ôn tập và đánh giá.
Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Đức và Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).
Ảnh minh họa |
Các kĩ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể theo các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp học sinh đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 1 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Sau khi kết thúc bậc tiểu học, học sinh sử dụng được tiếng Đức, tiếng Hàn diễn đạt thông dụng trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến bản thân (ví dụ: Bản thân và gia đình, mua sắm, công việc, môi trường xung quanh); Bước đầu hình thành những kiến thức về đất nước, con người và văn hóa khu vực các quốc gia; Giao tiếp được trong những tình huống đơn giản, quen thuộc, liên quan đến việc trao đổi thông tin một cách giản đơn và trực tiếp về những vấn đề gần gũi và thường xuyên diễn ra trong cuộc sống;
Có kiến thức cơ bản về tiếng Đức, tiếng Hàn bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp; Sử dụng tiếng Đức, tiếng Hàn như một công cụ giao tiếp đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cơ bản trong những tình huống gần gũi, quen thuộc; Có những hiểu biết cơ bản về đất nước, con người và nền văn hóa khu vực nói tiếng Đức, tiếng Hàn
Đến cấp THCS, học sinh được trang bị các kiến thức cơ bản về văn hóa - xã hội, về cách ứng xử ở các quốc gia nói tiếng Đức, tiếng Hàn để từ đó nhận biết được những nét tương đồng cũng như khác biệt giữa nền văn hóa Việt Nam và nền văn hóa các nước nói tiếng Đức, tiếng Hàn. Qua đó, học sinh hiểu và trân trọng sự đa dạng, sự khác biệt giữa các nền văn hóa, có những nhận thức cơ bản về giá trị của văn hóa Việt Nam.
Ở cấp THPT, học sinh tiếp tục hình thành và phát triển những kiến thức cơ bản về tiếng Đức, tiếng Hàn, bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp; Sử dụng tiếng Đức, tiếng Hàn như một công cụ giao tiếp một cách tương đối hiệu quả, tự tin trong những tình huống liên quan đến những chủ đề quen thuộc hoặc sở thích cá nhân; Có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người và nền văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức; tiếng Hàn.
Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ 1. Như vậy có thể hiểu là ngoại ngữ 1 là ngoại ngữ bắt buộc.
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung quy định về việc Tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tùy theo nhu cầu địa phương và trường học.
Với chương trình thí điểm này, tiếng Đức, tiếng Hàn được bổ sung vào danh sách ngoại ngữ 1 cho học sinh, trường học, địa phương lựa chọn.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, căn cứ vào danh sách 7 ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Đức), các trường sẽ bắt buộc chọn dạy một trong 7 thứ tiếng trên.
Sau khi đã chọn một ngoại ngữ bắt buộc, các thứ tiếng còn lại sẽ trở thành ngoại ngữ 2, tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy ngoại ngữ 2 đáp ứng nhu cầu của học sinh.