Dự án xin phá rừng xây biệt thự tại Quốc Oai: Ai đứng sau Công ty Hà Phú?
Quảng Nam: Bán đất nền dự án khi còn nguyên mồ mả chưa di dời Gánh nặng trả nợ tại dự án "đắp chiếu" của Tổng Công ty Giấy Việt Nam |
Dự án đi ngược quy hoạch bảo vệ rừng
Theo công văn 144/BC-UBND của UBND TP Hà Nội trình lên Thủ tướng, Công ty Hà Phú xin chuyển mục đích dự án trồng, chăm sóc bảo vệ rừng và kết hợp du lịch sinh thái tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) sang dự án khu đô thị (KĐT) sinh thái nghỉ dưỡng.
Tại văn bản trình Thủ tướng, UBND Hà Nội đưa ra vấn đề quy hoạch kiến trúc cũng như quản lý đất rừng dự án và nhấn mạnh vai trò thẩm quyền quyết định chủ trương của Chính phủ. Theo đó: Dự án trồng rừng kết hợp dịch vụ du lịch của Công ty Hà Phú đã được tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt cơ bản phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng huyện Quốc Oai được duyệt.
Văn bản cho rằng việc công ty đề nghị được chuyển đổi mục đích (sử dụng đất) để thực hiện dự án KĐT sinh thái nghỉ dưỡng với mục tiêu xây khách sạn 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang phi nông nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng là phù hợp với chủ trương của thành phố về phát triển du lịch, tạo điều kiện phát triển KT-XH cho địa phương...
Dự án xin phá rừng của Công ty Hà Phú tại Quốc Oai. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT Hà Nội, đề xuất dự án KĐT sinh thái nghỉ dưỡng tại Quốc Oai của Công ty Hà Phú không phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Vì theo Bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của TP Hà Nội (đã được thông qua tại Nghị quyết 12/2015/NQ-HĐND thành phố và Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 25/5/2018 của Chính phủ), thì khu vực đề xuất thực hiện dự án được quy hoạch là đất lâm nghiệp.
Do đó, Sở TN&MT đề nghị Sở QH&KT lấy ý kiến của Sở NN&PTNT về việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng tại khu vực thực hiện dự án theo quy định.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, theo kiểm kê rừng năm 2015 (được Hà Nội phê duyệt vào tháng 12/2015, diện tích có rừng của huyện Quốc Oai là khoảng 950 ha (với 800 ha là rừng sản xuất, còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ). Trong đó, toàn bộ 141 ha đất mà Công ty Hà Phú được giao là đất rừng sản xuất (với 131 ha đất có rừng và 10 ha là đất trống quy hoạch để phát triển rừng sản xuất).
Theo đó, huyện Quốc Oai được quy hoạch duy trì và phát triển khoảng 726 ha diện tích rừng trồng. Mục tiêu quy hoạch đặt ra tới năm 2020, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5% diện tích (hiện mới chỉ đạt 5,59% -PV).
Căn cứ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 phê duyệt ngày 1/2/2013, Sở NN&PTNT xác định phạm vi nghiên cứu dự án của Công ty Hà Phú có hiện trạng là rừng và định hướng quy hoạch vẫn được duy trì để trồng rừng, phát triển rừng.
Như vậy, việc điều chuyển toàn bộ 141 ha đất rừng sang mục đích khác của dự án này đi ngược lại quy hoạch bảo vệ rừng của Hà Nội.
Bóng dáng nào đứng sau Công ty Hà Phú?
Hiện tại ông Nguyễn Lệ Quế (sinh năm 1973, hiện ở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Hà Phú. Ông Quế trở thành người lãnh đạo cao nhất của công ty Hà Phú từ tháng 5/2018 thay thế cho ông Nguyễn Thanh Tùng.
Đáng nói cả ông Tùng và ông Quế đều liên quan mật thiết tới doanh nghiệp Tập đoàn Phúc Sơn (Vĩnh Phúc). Cụ thể, ông Quế từng là người đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn - chi nhánh Hà Nội (đã giải thể) và Công ty CP đầu tư thương mại và BĐS Thăng Long.
Thời điểm tháng 7/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS tại dự án KĐT thương mại Vĩnh Tường của Công ty CP đầu tư thương mại và BĐS Thăng Long. Lý do là vì dù mới nhận bàn giao đất đợt 1 vào đầu tháng 6/2018, chưa đóng tiền thuê đất, nhưng có thông tin báo chí phản ánh rằng Công ty Thăng Long đã bán đất khi chưa có quyết định giao đất.
Khi đó, ông Nguyễn Lệ Quế đang là Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và BĐS Thăng Long. Ông Nguyễn Lệ Quế cũng đồng thời là Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng lại có thông tin cá trùng với người đại diện pháp luật/lãnh đạo của Công ty TNHH xăng dầu Phúc Sơn (trụ sở tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông Tùng cũng là cổ đông sáng lập (góp 0,25% vốn) của Tập đoàn Phúc Sơn.
Từ những cá nhân liên quan mật thiết giữa Công ty Hà Phúc và Tập đoàn Phúc Sơn, dư luận hoài nghi Tập đoàn Phúc Sơn có liên quan gì tới dự án này hay không?
Với các ý kiến trái chiều từ Sở TN&MT và Sở NN&PTNT, liệu dự án KĐT sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Quốc Oai của Công ty Hà Phú có được chấp thuận và triển khai?
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.