Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam bị công ty Na Uy lừa đảo, chiếm đoạt tiền cọc
Cảnh báo mạo danh công ty xuất khẩu Na Uy để lừa đảo |
Theo cảnh báo của Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Đệ Khang Phú Thành (quận Bình Thạnh, TP HCM), doanh nghiệp này bị Công ty SJOTROLL HAVBRUK AS ADV BRANDASUND (Na Uy) lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn USD.
Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Đệ Khang Phú Thành cho biết, doanh nghiệp căn cứ theo danh sách các công ty được phép nhập khẩu vào Việt Nam là đơn vị làm ăn uy tín vì được sự chấp thuận của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD/Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và có giao dịch hải quan Việt Nam.
Cảnh báo của Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Đệ Khang Phú Thành |
Đặc biệt, tên SJOTROLL khá nổi tiếng trong ngành thủy sản Na Uy, có 3 doanh nghiệp trùng tên trong danh sách 200 doanh nghiệp Na Uy đươc Việt Nam cấp phép nhập khẩu bao gồm: SJOTROLL HAVBRUK AS AVDREXSTAR – số thứ tự 173/218 nhà nhập khẩu, mã số approval code (người dùng) là H78; SJOTROLL HAVBRUK AS AVD BRANDASUN - số thứ tự 133/218 nhà nhập khẩu, mã số cấp phép nhập khẩu là H107 và một doanh nghiệp trùng tên khác không có tên trong danh sách nhưng mượn code xuất khẩu vào Việt Nam.
Quá trình giao dịch của Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Đệ Khang Phú Thành với công ty Na Uy này diễn ra từ tháng 9/2020.
Theo đó, thoả thuận ngày giao hàng là 13/11/2020, nhưng đối tác liên tục thay đổi điều khoản thanh toán, yêu cầu doanh nghiệp phải trả đủ tiền 100% mới giao hàng về Việt Nam. Từ ngày 13/11/2020 tới 21/12/2020, phía công ty Na Uy tìm cách kéo dài ngày giao hàng nhiều lần.
Tuy nhiên, chứng từ của công ty Na Uy này không có số container, không có số seal, họ không có vận đơn (bill lading). Tên tàu vận chuyển là thuộc cảng nội địa Đức từ Bremenhaven- Hamburg chứ không phải là Na Uy.
Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Xuất nhập khẩu Đệ Khang Phú Thành cho biết, sau quá trình nhờ sự hỗ trợ tìm hiểu của đối tác khác và ngân hàng trung gian nhận tiền Bank of American, công ty mới biết là đã bị lừa gạt có hệ thống.
"Khi chúng tôi thúc giục trả lại tiền cọc 9.800 USD (khoảng 225 triệu đồng) thì họ tìm mọi cách kéo dài, nói lý do tới cuối tháng 12/2020 hoàn trả tiền cọc. Nhưng cho tới nay 10/1/2021 họ đã cắt đứt mọi liên lạc, không giao hàng như cam kết và cũng không hoàn trả tiền cọc", doanh nghiệp Việt cho biết.