Doanh nghiệp muốn có cơ chế “ổn” để yên tâm đầu tư
“Hội nghị Diên Hồng” của Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân Có bao nhiêu doanh nghiệp thành lập mới tháng đầu năm? |
Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường cho rằng, muốn làm việc lớn thì chúng ta phải có ý tưởng, phải có mục tiêu dự án, phải tổ chức thực hiện tốt.
Ông Trường nêu ví dụ như Ninh Bình chỉ có 25 nghìn ha, giao cho doanh nghiệp 12 nghìn ha, tức là 57% diện tích của một tỉnh sẵn sàng giao cho doanh nghiệp chỉ có một cuộc họp rất ngắn - 15 phút.
"Chúng tôi đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Ninh Bình mỗi năm đón 10 triệu khách, dân số Ninh Bình có 1 triệu người, như vậy cứ 10 người thì 9 người là khách du lịch", ông Trường nói.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Trường. |
Lãnh đạo Tập đoàn Xuân Trường bày tỏ quyết tâm xây dựng công trình văn hóa mang tính tầm cỡ quốc tế, để chúng ta sánh vai với các nước. Trước đây Tràng An và Tam Chúc không hề có thương hiệu, thì bây giờ chúng ta có nhiều công trình có giá trị thương hiệu.
"Chúng ta cần bàn để có cơ chế chính sách, giao cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm", ông Trường nói thêm.
Theo ông Trường, với đường sắt cao tốc, đường giao thông, chúng ta phải có ý tưởng trước. Chúng ta phải có văn bản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ngân hàng mới cho vay tiền. Như với thép, để doanh nghiệp đầu tư 10 nghìn tỷ đồng thì ngoài vốn tự có thì phải vay thêm ngân hàng.
"Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư văn hóa nên không phải vay tiền, không phụ thuộc ngân hàng. Bây giờ quan trọng nhất là có cơ chế", ông Trường nhấn mạnh.
![]() |
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải. |
Cũng phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho rằng, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, cải thiện việc chậm tiến độ, đội vốn. Việc nâng tiến độ, đưa công trình vào khai thác đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Để đạt được những kết quả đó, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và bộ, ngành đã truyền cho các chủ thể liên quan một luồng gió mới, một cảm hứng để phát triển, trong đó có Tập đoàn Sơn Hải.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, doanh nghiệp có một số vướng mắc.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo hành công trình cấp 1 trở lên là 24 tháng (2 năm). Nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất được bảo hành 10 năm.
Trong trường hợp này, tập đoàn đề xuất khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư chỉ giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm, không cần giữ lại khoản bảo lãnh 10 năm, để tránh đọng vốn của nhà thầu.
Về vấn đề này, ông Hải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, hoàn thiện cơ chế, pháp lý phù hợp để doanh nghiệp có thể tăng thời gian bảo hành. Vì khi doanh nghiệp đăng ký gói bảo hành 10 năm thì có thể yên tâm hơn trong đầu tư, áp dụng công nghệ cao, bảo dưỡng…