Doanh nghiệp FDI giảm bớt gánh nặng thực thi quy định tại Việt Nam

Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gặp phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước.
Nhà nước đã hỗ trợ cho doanh nghiệp hơn 700 nghìn tỷ đồng thuế, phí Mỗi tháng cả nước có 20,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường

Sáng 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023 là ấn phẩm thường niên do VCCI thực hiện nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Ông Công cho biết, năm 2023, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các kế hoạch hành động thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ và các nhiệm vụ được Chính phủ phân công về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, kết quả khảo sát phản ánh trong báo cáo PCI và PGI 2023 đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây.

Thứ nhất, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Doanh nghiệp FDI giảm bớt gánh nặng thực thi quy định tại Việt Nam
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.

Thứ hai, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.

Thứ ba, chi phí không chính thức cũng tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.

Thứ tư, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.

Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, báo cáo PCI và PGI năm 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cụ thể các doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi ổn định sau COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh có sự cải thiện khá khả quan, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống còn 42,3%.

Đồng thời, gánh nặng thực thi quy định của doanh nghiệp FDI đã giảm bớt theo thời gian, với tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế giảm xuống 16% so với mức 27% năm 2022, đây là mức giảm cao. Thủ tục về bảo hiểm xã hội đã giảm từ 15% năm 2022 xuống còn 8% năm 2023.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là mức từ 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.

Theo Chủ tịch VCCI, xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời là một chỉ báo quan trọng về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện.

Ông Phạm Tấn Công cũng thẳng thắn chỉ ra, báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm.

Theo đó, trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Những khó khăn chủ yếu bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động