Doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu nên ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung
Chuyển công an điều tra cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng Đề xuất cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đươc lấy từ nhiều nguồn |
Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra nguồn cung trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gây ra các tình huống bị động.
Về nguồn cung từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch không đáng có.
Mặt khác, hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với việc tiếp cận vốn trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.
Doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu nên ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung. Ảnh minh họa. |
Do đó, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cần phải thực hiện trong những tháng tiếp theo.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Vụ thị trường trong nước theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện.
Đồng thời, Vụ thị trường trong nước phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.
Người đứng đầu Bộ Công thương yêu cầu Tổng Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường trong nước thực hiện việc phân giao, điều chỉnh tổng nguồn cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và quy định tiến độ nhập khẩu xăng dầu cụ thể theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị thực hiện nghiêm tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao tối thiểu (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hang.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu). Chú ý theo dõi sát đảm bảo nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu (nhập sớm, đủ số lượng đúng chủng loại) để cung cấp đủ cho thị trường trong nước thời gian tới.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải duy trì hoạt động bán hàng cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp; cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho khách hàng một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu, cần chú ý chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất cũng như kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ cung cấp xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng nội dung, sản lượng đã ký...
Các doanh nghiệp đầu mối cũng phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính – Bộ Công thương) để có cơ sở cập nhật chính xác giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu (tránh thất thoát cho hệ thống kinh doanh)
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối nên ngồi lại với thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật rà soát, điều điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xây dựng cho phù hợp (hài hòa lĩnh vực giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng), đảm bảo cao nhất mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong qua trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong công tác điều hành giá xăng dầu trong các kỳ điều hành theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra giám sát các doanh nghiệp đầu mối trong việc trích lập quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu, tránh sai phạm.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn cả hạn mức tín dụng và điều kiện vay trả nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp...