Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu "khó chồng khó" khi xuất hóa đơn từng lần bán
"Ông lớn" xăng dầu lọt tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước năm 2024 Quyết liệt triển khai lập hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu |
Chia sẻ tại tọa đàm “Triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp” ngày 26/12 do Báo Tiền phong tổ chức, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ cho biết, để xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán thì mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu đồng cho cơ sở hạ tầng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ không biết xoay xở ở đâu.
Do đó, ông Hoàng Trung Dũng cho rằng, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ "khó chồng khó" trong bối cảnh doanh nghiệp đang thua lỗ.
Tương tự, theo tính toán của ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng, trước đây chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 - 165 triệu đồng.
Như vậy, mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng, dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) |
Cùng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dầu khí Đồng Nai cho hay, các công ty phân phối tư nhân đồng loạt thua lỗ từ đại dịch. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn khó khăn vô cùng.
Với chi phí đầu tư cao, 10.000 cửa hàng xăng dầu tư nhân sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư triển khai hóa đơn điện tử. "Với số tiền đầu tư lớn, rất khó để đầu tư ngay mà cần phải có lộ trình", ông Phụng nói.
Theo các chủ doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hơn nữa về giải pháp tài chính và chính sách. Bởi lẽ, cơ sở hạ tầng tại các doanh nghiệp tư nhân chưa tương thích, thiếu đồng bộ trong chuyển đổi số.
Bà Trần Thụy Thùy Trâm - Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt, đề xuất, nếu buộc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử từng lần bán thì phải có chi phí kinh doanh định mức (nghĩa là phần hoa hồng).
Chính phủ đang rất quyết liệt với việc triển khai hóa đơn điện tử. |
Theo bà Trâm, hiện nay, mức chiết khấu doanh nghiệp nhận được chỉ 300 - 400 đồng/lít xăng nhưng phải chịu nhiều chi phí về lương thưởng, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, thuế, chi phí vận chuyển nên việc phải gánh thêm chi phí cho hoá đơn điện tử và hệ thống phần mềm quản lý về hoá đơn điện tử thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ở góc độ cơ quản quản lý Nhà nước, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hoá đơn điện tử xuất từng lần mang lại nhiều lợi ích.
Ở góc độ doanh nghiệp, hóa đơn điện tử sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ.
Quan trọng hơn, không phải chỉ xăng dầu mà tất cả hàng hoá khi xuất hoá đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng, tiến tới tất cả hàng hoá sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận và đến một thời điểm nào đó sẽ giảm chi phí của doanh nghiệp.
“Chúng ta phải đi rồi mới đến được nhưng đi thì có thể có những trục trặc. Mong doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước. Về câu chuyện hoá đơn, nếu nhiều thì sẽ có giá 20 - 60 đồng, ít thì 100 đồng/hoá đơn. Càng xã hội hoá thì mức độ cạnh tranh sẽ lớn, xã hội hoá mang lại nhiều lợi ích hơn”, ông Sơn nói.