Định hình rõ nét thế và lực phát triển Thủ đô

Hơn một năm kể từ ngày được Bộ Chính trị ban hành, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 15) đã thực sự trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Hà Nội phát triển về mọi mặt. TP đã và đang định hình thế và lực phát triển mới cho nhiều thập kỷ tới.
5 ưu tiên phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô Cảnh báo thủ đoạn giả luật sư để hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo Báo chí luôn quan tâm, chia sẻ và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

Xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiều thập kỷ

Nghị quyết số 15 là sự quan tâm đặc biệt, đồng thời là niềm tin tưởng, kỳ vọng to lớn của Trung ương dành cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô. Đây là nghị quyết thứ năm của Bộ Chính trị ban hành liên quan đến TP Hà Nội kể từ năm 1976 đến nay. Tuy nhiên, khác với các nghị quyết, kết luận về phát triển Thủ đô trước đây, Nghị quyết 15 có tầm nhìn xa hơn, không chỉ 10 năm (đến năm 2030), mà đến năm 2045 (thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước).

Nghị quyết gồm 4 phần, nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu, 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó xác định đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; Trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước...

Định hình rõ nét thế và lực phát triển Thủ đô
Thường trực Thành ủy Hà Nội khảo sát thực tế công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm

Nhớ lại một năm trước, vào thời điểm ban hành, Nghị quyết đã được đón nhận và đánh giá cao, đồng thời cũng đặt ra nhiều kỳ vọng. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô được đề cập trong Nghị quyết số 15 yêu cầu tất cả các cấp, ngành từ Trung ương tới TP phải vào cuộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Nếu làm đúng được những yêu cầu ấy, Hà Nội nhất định sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, hơn thế nữa, đó sẽ là bước đột phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 15 cùng những vấn đề cốt yếu như vậy, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Sau nhiều lượt, nhiều vòng rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ngày 26/8/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chương trình hành động đã xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô; Quyết tâm đưa Nghị quyết số 15 đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Bộ Chính trị đề ra. Đến nay, 100% các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức TP đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16 và Nghị quyết 15, trong đó, UBND TP đã ban hành Kế hoạch xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 20 chỉ tiêu cụ thể.

Phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa trong phát triển

Nghị quyết số 15 thêm một lần nữa khẳng định: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là định hướng lớn, có tính xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”

Cụ thể hóa mục tiêu trở thành TP văn hiến, văn minh, hiện đại như Nghị quyết đã đề ra, trong năm qua, Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch nhằm sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch và thể chế.

Định hình rõ nét thế và lực phát triển Thủ đô
Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến và nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng; Đồng thời gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn, văn hóa lúa nước của vùng Đồng bằng sông Hồng; Khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp với phát triển du lịch xanh. Qua đó góp phần phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Cụ thể hóa quyết tâm và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mà Bộ Chính trị yêu cầu trong Nghị quyết 15, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022). Hà Nội cũng là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết về nhiệm vụ khó khăn này. Trong hơn một năm qua, 85 di tích văn hóa lịch sử đã được tu bổ, tôn tạo. TP cũng đã tổ chức hàng trăm các hoạt động văn hóa, thể thao tạo động lực mới cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Xác định kết quả mấu chốt thực hiện Nghị quyết 15 là nâng cao đời sống người dân, TP đã thông qua kế hoạch đầu tư ưu tiên cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng… Hơn một năm qua, trên 400 công trình đã được đầu tư xây dựng và cải tạo, tạo nên sức bật mới cho những lĩnh vực thiết thân nhất với đời sống Nhân dân...

Đặc biệt, thực hiện nội dung về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nêu trong Nghị quyết 15, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, tổ chức cam kết tiến độ giữa 3 tỉnh, thành và 15 quận, huyện, TP thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên có dự án đi qua; Huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc. Đến nay, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 50% tổng diện tích và hơn 60% tổng số mộ trong khu vực dự án đi qua (dài 58,6km); Dự kiến hoàn thành hơn 70% diện tích giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào ngày 30/6 tới.

Định hình rõ nét thế và lực phát triển Thủ đô
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu tham quan không gian văn hóa trải nghiệm bên lề Hội thảo phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

Thực hiện quan điểm “Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; Xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định...”, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền gắn với thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả công việc.

Thành phố đã thực hiện có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, không để xảy ra tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm. Ban Thường vụ Thành ủy đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; Phân công rõ người, rõ việc; Đồng thời nêu cao tính nêu gương, vai trò trách nhiệm của các ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, giải ngân vốn đầu tư công đạt 85% năm 2022 là một phần minh chứng điều này.

Có thể nói, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã vào cuộc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị rất chủ động, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản và khoa học; Thể hiện rõ tinh thần gương mẫu và ý chí khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Trên đà bứt phá, TP đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã đề ra...”.

Hạnh Nguyên
Phiên bản di động