Đi lễ đền chùa đầu năm ở Lạng Sơn: Ăn xin “gác cổng” hai nơi nổi tiếng nhất thành phố
“Vấn nạn” ăn xin - gọi vậy không ngoa khi bao năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực để “xoá” tình trạng này, tạo bộ mặt thành phố văn minh. Ấy vậy mà ngay từ sáng Mùng 1 Tết Quý Mão 2023 (tức 22/1/2023), không khó để bắt gặp thanh niên, người già, kẻ đứng, người ngồi xoè tay, xoè nón “xin” tiền người đi lễ đền Kỳ Cùng, chùa Thành.
Hai người "ăn xin" ngồi ngay trước cổng chùa Thành (TP Lạng Sơn) |
Chị Dương, làm dâu ở Lạng Sơn đã là năm thứ 5, vừa đưa cho con 10 nghìn đồng để vào nón của một bà trung tuổi “ăn xin” trước cửa chùa Thành (TP Lạng Sơn) thì cậu con trai lại chạy ra xin thêm tiền vì có thêm một người nữa vừa kịp ngồi xuống bậc để xin.
Chỉ tính riêng khu vực cổng ra - vào của đền Kỳ Cùng đã có 3 người "ăn xin" với đủ lứa tuổi |
Chị Dương tặc lưỡi: “Những năm trước không thấy bóng dáng ăn xin, thấy khu vực đền, chùa văn minh hơn rất nhiều. Năm nay họ “tái xuất” có phần đông hơn. Thường là những người đi lễ cũng muốn ngày đầu năm hoan hỉ, nên người thì bỏ 5 nghìn – 10 nghìn cho họ, có người lại bỏ nhiều hơn. Ai cũng nghĩ đầu năm phát lộc, giúp người cho cả năm thuận lợi, may mắn. Nhưng như này cũng vô hình chung khuyến khích những người khoẻ mạnh, “giả ăn xin” để kiếm tiền không chính đáng”.
Trẻ con đòi người lớn cho tiền để cho người "ăn xin" |
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ. Nơi đây còn được biết đến với “ngành du lịch tâm linh” vì có nhiều địa điểm thu hút người dân trong, ngoài nước, ngoài tỉnh đến hành lễ, nhất là dịp Tết và mùa lễ hội trải dài từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch.
Người đàn ông chống nạng đứng xin ở đây từ sớm |
Để ngày Xuân không có “gợn” và những chuyến du xuân, hành lễ của người dân được trọn vẹn, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn cần thiết phải có biện pháp mạnh để tiếp tục “dẹp” vấn nạn ăn xin cổng chùa.