Đề xuất nhà sản xuất phải tái chế sản phẩm hết vòng đời
Trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hai hình thức để các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm mở rộng: Chọn đóng tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường hoặc Các nhà sản xuất tự tái chế, thuê đơn vị tái chế chuyên nghiệp.
Cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò đưa ra tỷ lệ tối thiểu mà các nhà sản xuất phải đạt được và giám sát việc thực hiện.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Gia Chính |
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giải thích quy định hiện hành có nêu trách nhiệm nhà sản xuất nhưng không đưa ra tỉ lệ cụ thể và giao cho nhà sản xuất tự thu hồi dẫn tới không áp dụng được trong thực tế.
"Những năm qua, gần như không có nhà sản xuất nào tự nguyện thu hồi sản phẩm khi hết vòng đời. Người tiêu dùng thì vứt các loại rác thải kể cả rác thải nguy hại vào chung với rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên", ông Hùng nêu thực tế.
Các làng nghề tái chế tự phát, gây ô nhiễm môi trường ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. "Những bãi rác đầy vỏ tivi, bóng đèn không thể thu hồi, xử lý gây áp lực cho chính quyền địa phương và ô nhiễm môi trường là hậu quả của việc không gắn trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm khi hết vòng đời".
Về lợi ích kinh tế, theo ông Hùng, nếu không áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sẽ tạo sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ tài chính xử rác thải giữa nhà sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng.
Màn hình tivi chất đống ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Gia Chính |
"Ngân sách nhà nước và người dân kể cả những người không sử dụng sản phẩm đang phải trả để xử lý rác thải sinh hoạt. Nếu áp dụng, nhà sản xuất và những người tiêu dùng sản phẩm sẽ chia sẻ một phần chi phí này", lãnh đạo Vụ Pháp chế nói.
Theo Vụ Pháp chế, bản chất của quy định trên là chuyển một phần trách nhiệm xử lý rác thải từ chính quyền địa phương, từ người nộp thuế sang cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, hiện thực hoá nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và nền kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đang hướng tới.
Ông Kim In Wan, cựu thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Singapore...
"Quy định này sẽ kết nối và hỗ trợ thực thi quy định thu phí rác thải theo khối lượng. Thay vì đổ chung một túi rác và chịu phí cao hơn thì người nội trợ sẽ có thêm động lực và nhận được hỗ trợ tài chính cho rác thải được phân loại để tái chế", ông Kim In Wan nói và cho biết quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là chìa khóa thực hiện mục tiêu hình thành ngành công nghiệp tái chế.
Ba mục tiêu Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra khi đưa nội dung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Thứ nhất, chuyển bớt gánh nặng tài chính của ngân sách (80% chi phí xử lý chất thải) sang cho nhà sản xuất. Thứ hai, thay đổi nhận thức của nhà sản xuất trong việc thiết kế các sản phẩm thân thiện môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trong sản xuất. Thứ ba, giúp tạo lập nền công nghiệp tái chế thông qua việc tạo thêm thu nhập, việc làm, an sinh xã hội thông qua việc tổ chức mạng lưới thu gom, vận chuyển, tái chế, sản xuất hiệu quả. |
https://vnexpress.net/de-xuat-nha-san-xuat-phai-tai-che-san-pham-het-vong-doi-4111130.html