Đề xuất bổ sung vào luật quy định cấm hành vi mua bán bào thai

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".
Thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai lần đầu tiên thành công

Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến quy định về hành vi mua bán bào thai trong dự thảo luật và bày tỏ nhất trí việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo là “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật có trường hợp nào mua bán bào thai không nhằm mục đích mua bán người hay không. Nếu có và phù hợp thì cần quy định ở phần đầu của khoản 2 Điều 3, còn không thì cân nhắc không quy định nội dung này.

Đề xuất bổ sung vào luật quy định cấm hành vi mua bán bào thai
Quang cảnh phiên họp sáng 13/8.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý về khái niệm “mua bán người”, về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người, về đối tượng và chế độ hỗ trợ, về cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Về hành vi mua bán bào thai, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, trước tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp và việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh.

Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 3 của dự thảo luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về cơ bản, các ý kiến đánh giá cao và đồng thuận với những nội dung chính của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được tiếp thu, giải trình.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc thêm các nội dung quy định về điều khoản liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể (đã có một điều chung liên quan đến Mặt trận, đoàn thế), do đó với việc thiết kế các điều riêng cho Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, nếu thực sự cần thiết thì cũng cân nhắc thêm, hoặc là gộp lại hoặc là tách riêng trên cơ sở cân đối trách nhiệm của các đoàn thể có liên quan.

Đồng thời cần tiếp tục rà soát các biện pháp hỗ trợ nạn nhân, người thân thích, người dưới 18 tuổi đi cùng, người đang trong quá trình xác định nạn nhân để bảo đảm quy định đơn giản, dễ hiểu, không sót người nhưng không quá rộng, đảm bảo các biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp khẩn trương phối hợp các cơ quan để hoàn chỉnh Hồ sơ dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào cuối tháng 8 này.

Hậu Lộc
Phiên bản di động