Đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng

Trước thềm phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất bổ sung thêm một phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.
Đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020

Trước đó, tại phiên họp Hội đồng về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 lần thứ nhất của Hội đồng tiền lương Quốc gia diễn ra ngày 14/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Theo đó, phương án 1 có mức tăng 8,18% (tăng 180.000 đồng đến 380.000 đồng); phương án 2 có mức tăng 7,06% (tăng từ 160.000 đồng đến 330.000 đồng).

Tuy nhiên, trước thềm phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia dự kiến diễn ra chiều nay 11/7, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất bổ sung thêm một phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án thứ 3 là tăng 6,52%, tương đương mức tăng từ 120.000 đồng - 320.000 đồng.

Theo lý giải của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là mức tăng đã được cơ quan này tính toán kỹ, dựa trên số liệu thực tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay như: GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%. Đây là những tín hiệu có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2020.

de xuat 3 phuong an tang luong toi thieu vung
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó là dựa vào tình hình xuất khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng hơn so với năm trước.

Ngoài ra, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết đã tham thảo tỷ lệ chi phí lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam. Kết quả cho thấy, ở các nước như: Campuchia, Srilanka, Philipines, Ấn Độ, Mông Cổ, tỷ lệ chi cho phi lương thực thực phẩm đều cao hơn mức tính của Việt Nam.

Được biết, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020. Cụ thể, phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng 2019 (tăng 120.000-200.000 đồng); phương án 2 tăng bình quân 4% (tăng 70.000-170.000 đồng tùy từng vùng) và phương án 3 tăng bình quân 6% (tăng 140.000-240.000 đồng tùy từng vùng).

Trước đó, tại phiên họp thứ nhất, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra quan điểm điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020 tăng hay không.

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có hơn 20 Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề nghị không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng 2019 được đề xuất tăng là 5,3%. Cụ thể, có 72,5% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2,1% doanh nghiệp tăng 5,9%. Đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan, chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của người lao động.

“Trong khi đó, tăng lương tối thiểu lại làm tăng các chi phí của doanh nghiệp trong bối cảnh đang cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh. Qua 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 54.000 doanh nghiệp được thành lập mới, ngược lại cũng có tới trên 20.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trong đó có 7.000 doanh nghiệp đã hoàn thành xong thủ tục giải thể”, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.

Hậu Lộc
Phiên bản di động